Doanh nghiệp vượt khó thời Covid: Chật vật tìm lối đi

14:39 08/04/2021

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, khó khăn là điều không tránh khỏi. Nhưng thay vì đứng im chấp nhận số phận rồi dần "biến mất", doanh nghiệp kiên trì đương đầu với thách thức sẽ có những bước chuyển mình tích cực như câu chuyện của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Trường Giang (Hòa Bình).

Điêu đứng vì dịch bệnh

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, kết quả khảo sát các doanh nghiệp cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp được khảo sát chịu tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chịu tác động đến 86,1%. Với những doanh nghiệp thuộc khu vực miền núi như Hòa Bình, điều kiện kinh doanh càng khó khăn hơn. 

Giám đốc  Hoàng Minh Sơn của Công ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Hoàng Trường Giang
Giám đốc Hoàng Minh Sơn của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Trường Giang.

Chia sẻ với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, anh Hoàng Minh Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Hoàng Trường Giang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Thời gian qua, Hoàng Trường Giang cũng như các doanh nghiệp khác trong tỉnh, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Riêng trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, giá sản phẩm hạ thấp khiến giá bán ra không thể giữ được. Chúng tôi buộc phải kinh doanh không lãi để cạnh tranh, giữ khách. 

Theo anh Sơn, dù đã hạ giá bán nhưng lượng khách mua hàng vẫn giảm mạnh. Trong khi đó, hàng nhập về kho không thể ngừng vì hợp đồng đã ký. Kho càng trữ nhiều càng lỗ vì giá xuống theo từng ngày, việc này khiến dòng tiền quay vòng chững lại. "Có những lúc để có tiền trả lương cho cán bộ nhân viên, tôi đã phải vay tiền bạn bè, người thân. Hoàng Trường Giang không chỉ là tâm huyết của gia đình tôi mà còn là "bát cơm" của nhiều người nên dù khó khăn tôi cũng cố tìm mọi cách duy trì hoạt động công ty", anh Sơn nói. 

Một trong những showroom của  Công ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Hoàng Trường Giang
Một trong những showroom của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Trường Giang.

Chật vật tìm hướng đi

Các chuyên gia đánh giá, do vật liệu xây dựng luôn gắn liền với sự phát triển của lĩnh vực bất động sản và nhu cầu đầu tư xây dựng của người dân nên khi thị trường bất động sản sụt giảm nghiêm trọng về nguồn cung mới cũng như sức cầu của hầu hết các phân khúc nhà ở thì nhu cầu về vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, gạch xây, gạch men, thiết bị nội thất… đều giảm mạnh.

Ngược lại, việc thị trường bất động sản ấm dần lên từ cuối năm 2020 tới nay đã kéo thị trường vật liệu xây dựng chuyển biến tích cực.

Nhận định về tình hình hiện tại, Giám đốc Hoàng Minh Sơn cho biết: "Khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, thị trường vật liệu xây dựng đang là cung nhiều hơn cầu, sản phẩm dồi dào nhưng giá thành lại rẻ, bán rất chậm. Tới thời điểm này do sản xuất giảm nên vật liệu xây dựng tăng giá. Người ngoài ngành nhìn vào cho rằng giá nhập tăng thì bán khó có lãi nhưng theo tôi đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường đang dần được cân bằng." 

Showroom được khai trương đầu năm 2021 của  Công ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Hoàng Trường Giang
Showroom được khai trương đầu năm 2021 của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Trường Giang.

Được biết, hiện Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Trường Giang đang tiếp tục cố gắng mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm đặc trưng - sàn gỗ AMYGRES SPC. Hiện anh Sơn đang điều hành 4 showroom trên địa bàn tỉnh. Điều vị Giám đốc trẻ hướng tới là xây dựng được chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng phục vụ khách hàng từ khâu thiết kế tới thi công, dùng vật liệu xây dựng chất lượng tốt của showroom kiến tạo "ngôi nhà mơ ước" cho khách hàng.

Từ câu chuyện của Công ty TNHH Thương mại và Xây Dựng Hoàng Trường Giang, có thể thấy khó khăn là điều không tránh khỏi. Nhưng thay vì đứng im chấp nhận số phận rồi dần "biến mất", doanh nghiệp kiên trì đương đầu với thách thức sẽ có những bước chuyển mình tích cực, đạt được thành quả xứng đáng trong tương lai.

Hà Linh