Doanh nghiệp dệt may được khôi phục sản xuất từ đầu tháng 10 sẽ giữ được hợp đồng xuất khẩu

19:10 22/09/2021

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (AGTEK) - nếu được khôi phục sản xuất từ đầu tháng 10/2021, những đơn hàng ùn ứ có nhiều cơ hội được giải quyết, hạn chế được nguy cơ đơn hàng chạy khỏi Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Hồng cho hay, thời gian giãn cách đã quá ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp (DN), nhiều DN đang đối diện với nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng hàng hóa thậm chí sẽ bị vỡ trận chứ không chỉ là đứt gãy nếu tiếp tục dừng hoạt động thêm. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hàng hóa may mặc đã đâu vào đó; nếu không xuất khẩu được, qua mùa thu đông sắp tới là không bán được hàng. Đặc thù của ngành may mặc là theo xu hướng thời trang thế giới. DN có thể gắng gồng, chấp nhận chi phí cao kể cả xuất khẩu hàng hóa bằng máy bay để trả đơn hàng, nhưng nếu hết mùa thì hàng hóa may mặc coi như không thể bán được nữa. Bao nhiêu vốn liếng, chi phí của DN coi như tiêu tan.  

“Khi đối tác đã chuyển thị trường, DN Việt Nam có hoạt động trở lại thì lúc đó cũng không còn khách hàng, đối tác đã bỏ đi thì rất khó trở lại. Các DN đang rất lo lắng điều này, cả hai bên DN và đối tác đều đang chờ đến tháng 10/2021 mới thương thảo tiếp các điều khoản hợp đồng chứ chưa hứa hẹn được điều gì. Nếu việc mở cửa khôi phục hoạt động chậm trễ, nhiều DN nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (FDI) cũng có thể sẽ rút khỏi thị trường vì họ không thể chịu đựng lâu hơn khi hàng loạt dây chuyền cung ứng bị ảnh hưởng”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Ông Hồng cũng cho biết các DN hoạt động “ba tại chỗ” chỉ có thể duy trì tạm thời chứ không kéo dài được vì DN dệt may rất đông công nhân, mặt bằng nhà xưởng giới hạn, rất khó giải quyết việc ăn ở, sinh hoạt lâu dài cho công nhân. Ban đầu DN nghĩ mô hình sản xuất này chỉ áp dụng khoảng một, hai tuần thì họ còn gồng được, nhưng kéo dài hơn thì DN đuối khi chi phí đội lên rất nhiều. Hầu hết các DN kiến nghị được tự xây dựng phương án mở cửa, hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế; phòng, chống dịch tại điểm sản xuất theo các tiêu chí an toàn như: 5K, hạn chế tiếp xúc, xét nghiệm hằng tuần, khử khuẩn, khoanh vùng tách F0… 

Hiện các DN dệt may ưu tiên việc tiêm vắc-xin cho người lao động và họ sẵn sàng đóng góp tiền mua vắc-xin. Có khoảng 80 - 90% người lao động trong ngành tại TPHCM đã tiêm một mũi vắc-xin, khoảng 50% người lao động được tiêm mũi hai và các DN hy vọng đến cuối tháng 9/2021, độ phủ vắc-xin rộng hơn, giúp DN có thể hoạt động trở lại. 

“Chúng tôi mong thành phố sớm ngưng giãn cách, cho DN trở lại sản xuất để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Phần lớn DN ý thức cao việc đảm bảo các nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho cả DN, người lao động và cộng đồng”, đại diện AGTEK bày tỏ. 

Cẩm Nhung