Doanh nghiệp cân não giải bài toán chi phí vì giá thép tăng phi mã

14:30 22/04/2021

Thị trường vừa có tín hiệu khả quan hơn, doanh nghiệp chưa kịp thở phào nhẹ nhõm đã phải cân não giải bài toán chi phí vì giá nguyên liệu tăng vọt.

 Doanh nghiệp cân não giải bài toán chi phí vì giá thép tăng phi mã.

Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam VACC cho biết, giá thép Việt Mỹ giá bán ở thời điểm quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì hiện nay giá bán loại thép này tại Đà Nẵng thông báo 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Đáng chú ý, trong khi đó giá thép công bố của Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo cho các nhà thầu áp dụng trong thanh quyết toán cũng là 13.805 đồng/kg.

Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả thương hiệu thép cũng đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với giá cuối quý IV/2020.

Theo đó, VACC kiến nghị Văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến một cách phi mã trong quý I/2021, đặc biệt là những ngày tháng 4 này.

VACC cho rằng, các nhà thầu xây dựng Việt Nam gặp phải những khó khăn không cách nào tháo gỡ vì các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng có giá trị cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng) nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này.

Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho hay: "Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này".

Đối với công ty xây dựng chuyên về công trình dân dụng là Công ty Xây dựng Thương mại Hưng Gia Phát, chi phí thép chiếm khoảng 25% tổng chi phí công trình. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Tuân, khách hàng không quan tâm đến biến động giá vật tư mà chỉ cần biết chênh lệch chào giá giữa các đơn vị thi công.

"Chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn khi làm việc với khách hàng. Xác suất thương lượng thành công hiện chỉ ở mức 10%, bởi khách hàng chỉ muốn làm theo đơn giá năm 2019-2020. Lợi nhuận của chúng tôi bị thu hẹp đáng kể, thậm chí nếu quản lý không tốt có thể dẫn đến thua lỗ", ông Tuân chia sẻ. "Giá thép tăng liên tục thì tôi cũng chết liên tục. Việc xác định đơn giá xây dựng trong thời gian này quá căng thẳng. Đơn giá khó theo kịp đà tăng của vật liệu này". 

Tại Universal Steel Buildings Việt Nam, với sản phẩm chính là nhà thép tiền chế sử dụng gần như 100% nguyên liệu đầu vào là thép, ông Phạm Hoàng Thi cho biết, tình hình còn nguy khốn hơn.Từ quý IV/2020 đến nay, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm một nửa. Dự án nào may mắn thì hòa vốn, còn lại đa phần lỗ từ 5-10%. "Có 2 hợp đồng mới ký gần đây nhất, trong quá trình thương lượng khách hàng đã nhận thấy đà tăng giá bất ổn nên yêu cầu ký trọn gói, không thay đổi giá trị hợp đồng khi giá vật tư biến động. Do đó, hợp đồng ký cách đây 2 tháng khiến chúng tôi lỗ 15%, còn hợp đồng ký cách đây 1 tháng đem về khoản lỗ đến 24%", ông Thi trải lòng. 

Theo ông Thi, biên lợi nhuận thông thường của ngành dao động quanh mức 7-15%. Bởi vậy, khi giá tăng phi mã lên mức cao nhất lịch sử như hiện nay, việc thua lỗ là không thể tránh khỏi. Chưa kể, việc tăng giá mỗi ngày khiến doanh nghiệp phải thay đổi báo giá cho khách hàng liên tục, ảnh hưởng đến uy tín và thời gian. "Cứ vài hôm chúng tôi lại thông báo tăng 3-10% giá nên khách hàng cũng cân nhắc nhiều. Đó là chưa nói đến việc không mua được thép nên việc triển khai dự án bị chậm trễ, bị phạt tiền", ông Thi nói.

Do đó, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các Bộ ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến. Mặc khác đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sach, yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật kịp thời đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.

"Mặc dù từ đầu tháng 1/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 389 nhắc các bộ ngành xử lý vấn đề này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi mà tình hình thì càng phức tạp hơn, giá cả tiếp tục tăng", VACC nhấn mạnh.

Liên quan đến việc Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo sớm các bộ, ngành liên quan kiểm tra xử lý triệt để nguyên nhân làm giá thép tăng đột biến, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, điều này là bình thường và không ảnh hưởng đến Hòa Phát. Theo ông Long, việc giá thép tăng là do thời gian qua giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than tăng. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch cũng giúp hoạt động xây dựng được đẩy mạnh và nhu cầu thép tăng.
"Về cơ bản kiến nghị kiểm tra của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng là bình thường và điều này không ảnh hưởng đến Hòa Phát. Nếu việc kiểm tra không phát hiện điều gì bất thường như độc quyền thị trường thì cũng không có vấn đề gì đến doanh nghiệp", ông Long cho biết.

Lâm Nghi