Trong kế hoạch phát triển ngành dược, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT cho biết doanh nghiệp đang thực hiện xin giấy phép thành lập kho nhập khẩu cũng như xin visa cho sản phẩm dược. Các sản phẩm dược do DGW phân phối là các sản phẩm đặc thù, phải kê toa nên không phù hợp phân phối tại các hiệu thuốc đại trà mà chủ yếu phân phối cho các nhà thuốc trong bệnh viện.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Hồng Việt, hiện doanh nghiệp đang phân phối các sản phẩm dược chuyên cho các bệnh về xương khớp – tim và kênh chủ lực vẫn là bệnh viện.
Hiện DWG đang nắm giữ 36% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma), đây là doanh nghiệp có quan hệ tốt trong ngành dược, tốt trong khâu lựa chọn sản phẩm và bán hàng.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2021, Digiworld đã rót 8,9 tỷ đồng để mua 36,01% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma) - nhà phân phối các thương hiệu dược phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và vật tư y tế. Cùng với đó, Digiworld cũng đã cho Đại Tín Pharma vay 8,4 tỷ đồng với lãi suất 10,95%/năm.
Song song với động thái này, CEO Digiworld Đoàn Hồng Việt và Trưởng phòng tài chính Nguyễn Văn Thuận cũng đã lần lượt đảm nhiệm các vai trò Thành viên HĐQT và Trưởng ban kiểm soát của Đại Tín Pharma.
"Trong tương lai, Digiworld cũng sẽ mở rộng phân phối cho các chuỗi dược phẩm và các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.
Trong năm 2022, Digiworld sẽ tập trung hơn vào mảng dược phẩm, để dần thực hiện mục tiêu nằm trong top 3 nhà phân phối dược phẩm lớn nhất Việt Nam vào năm 2025.
Với dân số 100 triệu người và GDP tăng trưởng khoảng 7%/năm, tiềm năng của thị trường dược phẩm và gia dụng Việt Nam là vô cùng dồi dào và còn lâu mới bão hòa", ông Đoàn Hồng Việt nêu cụ thể.
Mục tiêu đến năm 2025, DWG sẽ đứng thứ 3 trên thị trường phân phối dược.
Năm 2022, Digiworld lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 22% so với kết quả năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, doanh nghiệp đã đạt 27% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Về cấu trúc vốn, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên 99% do nợ ngắn hạn tăng 77% so với đầu kỳ, đạt 1.978 tỷ đồng. DGW tăng nợ ngắn hạn để tài trợ cho nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa nhằm đối phó với rủi ro ngắn hạn toàn cầu, cụ thể là từ chính sách Zero Covid từ Trung Quốc.
D. Hồng