Theo AppleInsider, báo cáo từ Consumer Intelligence Research Partners (CIRP) cho thấy phần lớn iPhone cũ được tái sử dụng theo một cách nào đó, chẳng hạn tặng cho bạn bè hoặc thành viên gia đình, hay tham gia chương trình thu cũ đổi mới. Một số người dùng chọn giữ iPhone cũ của họ như một thiết bị dự phòng.
Dữ liệu thực tế đã cho thấy mức khấu hao của iPhone trong năm đầu tiên là 13,83%, trong khi đó mức khấu hao của điện thoại Android là 32,06%; mức khấu hao của iPhone trong năm thứ hai là 13,57%, còn của điện thoại Android là 35,14%. Trong năm thứ tư, mức khấu hao iPhone là 20,50%, còn của điện thoại Android là 34,44%. Có thể thấy rằng, tỷ lệ mất giá của iPhone trong 2 năm đầu tiên thấp hơn rất nhiều so với các dòng điện thoại Android.
Nếu muốn biết lý do vì sao iPhone giữ vững giá trị thì phải nhắc đến quan điểm tự phát triển phần cứng đã được Apple liên tục thực hiện và duy trì kể từ khi iPhone ra đời. Apple được xem là nhà sản xuất điện thoại di động có tiếng nói mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng cùng năng lực nghiên cứu phát triển vượt trội, nhiều nhà sản xuất phần cứng cảm thấy vô cùng tự hào khi nhận được đơn đặt hàng của Apple và giá cổ phiếu tăng cao.
Apple là một công ty sản xuất cực kỳ tập trung vào công nghệ. Điều này có thể thấy rõ từ quá trình phát triển của hãng, khi vào năm 2008 hãng đã mua lại PA Semi - một công ty chuyên thiết kế bộ vi xử lý - với mức giá 278 triệu USD. Sau đó hãng đã tung ra con chip riêng độc quyền, mua lại nhà sản xuất chip di động Intrinsity với mức giá 121 triệu USD vào tháng 4/2010, mua lại Siri với mức giá 200 triệu USD vào tháng 4/2010 và giới thiệu dịch vụ thoại. Vào tháng 7/2012, “Táo khuyết” đã mua lại AuthenTec với mức giá 356 triệu USD và ra mắt tính năng cảm biến vân tay.
Vào năm 2012, sau khi mua lại Placebase, C3, Poly9, Locationary, HopStop, BroadMap, Embark,… Apple đã giới thiệu dịch vụ bản đồ của riêng mình, sử dụng GPU series PowerVR của Imagination, sau đó chiêu mộ những tài năng của công ty này để phát triển GPU riêng.
Apple đã tiếp tục mang đến nhiều công nghệ mới và thiết kế đầu ngành hơn cho iPhone, đồng thời mạnh dạn đổi mới để khai thác tối đa chiều sâu của các tính năng, cho thấy khả năng kiểm soát vượt trội đối với mọi chi tiết và chất lượng.
Không những vậy, hệ điều hành iOS chỉ phục vụ cho những thiết bị của chính Apple và thích ứng hoàn hảo với phần cứng của iPhone, điều này sẽ tốt hơn về trải nghiệm và hiệu quả hoạt động.
Với sự tăng trưởng toàn cầu hóa của iPhone dựa vào sự kết hợp sâu sắc giữa phần cứng và phần mềm, cùng với trải nghiệm sinh thái đồng bộ của Apple đã giúp iPhone vững vàng chiếm lĩnh vị trí cao trong phân khúc smartphone cao cấp.
Bên cạnh chất lượng phần cứng của iPhone, sự hỗ trợ của Apple dành cho iPhone cũng đã đạt đến mức chưa từng có. Những dịch vụ của Apple dành cho những dòng máy cũ vẫn rất tốt, đặc biệt là về khía cạnh hỗ trợ hệ thống. Lấy iPhone 6s ra mắt vào năm 2015 làm ví dụ, nó vẫn có thể cập nhật lên iOS 15 phát hành năm 2021, tức là được hỗ trợ lên đến 6 năm.
Theo CIRP cho rằng, việc iPhone giữ được giá trị lâu dài không chỉ vì chúng được Apple hỗ trợ bản cập nhật phần mềm trong nhiều năm mà còn vì độ bền. Theo báo cáo, pin và màn hình là hai yếu tố quan trọng bị ảnh hưởng trong quá trình sử dụng smartphone liên tục. Cuộc khảo sát cho thấy, 4/5 người dùng nâng cấp iPhone nói rằng màn hình iPhone trước đó vẫn ở trạng thái hoàn hảo, hoặc có trầy xước nhưng vẫn sử dụng được, trong khi chỉ có 6% nói màn hình bị hư.
Khi xét đến thời lượng pin, khoảng 60% người dùng iPhone báo cáo pin trên mẫu máy trước đó của họ kéo dài cả ngày hoặc duy trì hầu hết thời gian sử dụng trong ngày, 15% cho biết pin trên model cũ chỉ kéo dài được vài giờ.
Những năm qua, Apple đã dần cải thiện thời lượng pin thiết bị của mình. Con chip là một trong những giải pháp quan trọng, chứ không phải viên pin. Cụ thể, các bộ xử lý Apple Silicon mới được tạo ra trên tiến trình nhỏ hơn, qua đó giúp cải thiện hiệu suất và giảm lượng điện năng tiêu thụ.
So với loại tấm nền LCD truyền thống (vốn cần được chiếu sáng toàn phần bằng đèn nền LED), màn hình OLED mới cũng sử dụng ít năng lượng hơn.
Mặc dù vẫn giữ chi phí thay pin iPhone 14 ở mức 99 USD nhưng hãng đã tăng phí dịch vụ pin thêm 20 USD cho tất cả các mẫu iPhone trước dòng sản phẩm iPhone 14. Kết quả là chi phí thay pin cho iPhone có nút Home tăng từ 49 USD lên 69 USD, còn iPhone các dòng thế hệ mới tăng từ 69 USD lên 89 USD.
Tại Việt Nam, khả năng giữ giá của iPhone đang bị ảnh hưởng bởi chính sách giá giảm sâu của các đại lý chính hãng. Việc mẫu iPhone 14 Pro Max giảm về mốc 27-28 triệu đồng tác động đến những dòng máy Apple cũ hơn. Bên cạnh đó, người dùng cũng băn khoăn mua hàng cũ vì nhiều máy đã qua sử dụng hay bị lỗi màn hình.
Đình Lâm (t/h)