![]() |
DeepSeek bị gỡ khỏi các kho ứng dụng tại Hàn Quốc |
Ngày hôm nay (17/2), Uỷ ban bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc (PIPC) quyết định tạm thời cấm tải xuống ứng dụng AI DeepSeek tại nước này, do chưa tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Reuters, ông Choi Jang-hyuk, Phó Chủ tịch PIPC cho biết: “Cơ quan đang xem xét kỹ lưỡng hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của DeepSeek để đảm bảo tuân thủ luật pháp Hàn Quốc. Trong lúc chưa có kết luận, ứng dụng DeepSeek sẽ bị gỡ trên kho ứng dụng App Store, Google Play và một số kho ứng dụng khác trong nước”.
DeepSeek cần cập nhật và tuân thủ đúng luật bảo mật của Hàn Quốc để được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nếu người dùng đã tải sẵn ứng dụng trên thiết bị vẫn có thể sử dụng bình thường và dịch vụ web của DeepSeek vẫn truy cập được tại Hàn Quốc.
Hiện DeepSeek chưa đưa ra phản hồi nào trước yêu cầu bình luận của Reuters.Cách đây một tuần, Cơ quan tình báo Hàn Quốc đã cáo buộc ứng dụng AI DeepSeek thu thập dữ liệu cá nhân "quá mức" và sử dụng tất cả dữ liệu đầu vào để tự đào tạo, đồng thời đặt câu hỏi về phản hồi của nó với các câu hỏi liên quan đến vấn đề tự hào dân tộc.
Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) cho biết đã gửi thông báo chính thức tới các cơ quan chính phủ Hàn Quốc, kêu gọi họ thực hiện các biện pháp phòng ngừa an ninh với ứng dụng AI của DeepSeek.
"Đã xác nhận rằng lịch sử trò chuyện trong ứng dụng DeepSeek có thể được chuyển giao vì nó gồm cả một chức năng thu thập các mẫu nhập liệu bàn phím nhận diện cá nhân và giao tiếp với các máy chủ của các công ty Trung Quốc như volceapplog.com, không giống các dịch vụ AI tạo sinh khác", NIS cho biết trong một tuyên bố hôm 10/2.
Một số bộ của chính phủ Hàn Quốc sau đó đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng này, nêu lý do lo ngại về an ninh
DeepSeek ra mắt R1 ngày 20/1, tuyên bố năng lực của chatbot không thua kém so với những đối thủ AI hàng đầu tại Mỹ, nhưng chi phí đào tạo bằng một phần nhỏ. Tuy nhiên, các quốc gia như Italy, Pháp và Hàn Quốc tỏ ra lo ngại và đã yêu cầu DeepSeek trả lời các câu hỏi như: loại dữ liệu cá nhân nào được thu thập, từ những nguồn nào, với mục đích gì và liệu thông tin có được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc hay không.
Cuối tháng 1/2025, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy đã yêu cầu DeepSeek ngừng hoạt động chatbot tại nước này vì những lo ngại liên quan đến chính sách bảo mật.
Mới đây, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Hải quân, Hạ viện Mỹ và bang Texas cũng ra lệnh cấm DeepSeek trên thiết bị và kết nối mạng tại văn phòng do chính phủ nước này cấp.
"Máy chủ của DeepSeek hoạt động bên ngoài nước Mỹ, gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia và quyền riêng tư. DeepSeek cùng các sản phẩm và dịch vụ từ công ty này không được phép sử dụng với dữ liệu của NASA hoặc trên thiết bị, mạng do chính phủ cấp", thông báo của lãnh đạo NASA gửi đến các nhân viên có đoạn.
Trong một tuyên bố trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này luôn coi trọng vấn đề bảo vệ dữ liệu và tuân thủ luật pháp. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng họ không yêu cầu bất kỳ công ty hay cá nhân nào thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu trái phép.
DeepSeek được thành lập năm 2023 bởi ông Liang Wenfeng, đồng sáng lập của quỹ đầu tư chuyên về AI High-Flyer. Thành quả của startup Trung Quốc được nhiều công ty về AI lớn như Microsoft, OpenAI, Nvidia đánh giá cao. Tuy nhiên, họ cũng gây nhiều tranh cãi như số tiền phát triển thực tế có thể lên tới tỷ USD, "chưng cất" kiến thức từ các mô hình đi trước, hay nguy cơ mất an toàn thông tin.