Bài liên quan |
Từ 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng giá bán lẻ điện 3/% |
Bộ Công Thương đề xuất Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, cao nhất 3.612,22 đồng/kWh |
Tại buổi họp báo thường kỳ quý IV/2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương, diễn ra vào chiều ngày 7/1, nội dung thu hút sự quan tâm lớn của báo chí là đề xuất giảm thời gian tối thiểu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống còn 2 tháng. Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Phòng Thị trường điện thuộc Cục Điều tiết điện lực, cho biết, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã được quy định từ lâu và không phải vấn đề mới. Trước đây, theo Quyết định 24/2017, chu kỳ điều chỉnh giá tối thiểu là 6 tháng. Đến tháng 5/2024, Quyết định số 5 của Thủ tướng Chính phủ đã rút ngắn chu kỳ này xuống còn 3 tháng. Hiện tại, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục Điều tiết điện lực xây dựng dự thảo Nghị định mới, dự kiến áp dụng thời gian điều chỉnh tối thiểu là 2 tháng, nhằm đồng bộ với Luật Điện lực sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.
Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân mới chỉ là ý tưởng. |
Theo ông Nguyễn Quang Minh, đề xuất giảm thời gian điều chỉnh giá xuống 2 tháng hiện vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến và chỉ mới ở mức độ ý tưởng. Việc xây dựng chính sách này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt từ các bên chịu tác động trực tiếp. Dự thảo đang được tham khảo ý kiến từ các đơn vị liên quan để đảm bảo tính khả thi. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, Cục Điều tiết điện lực sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương nhằm đưa ra cơ chế phù hợp nhất. Ông Minh cũng nhấn mạnh rằng, để đưa ra quyết định cuối cùng, cần có thời gian nghiên cứu và đánh giá toàn diện về tác động kinh tế-xã hội khi rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bổ sung rằng, trước đây, chu kỳ điều chỉnh giá tối thiểu là 6 tháng, sau đó giảm xuống còn 3 tháng nhằm đáp ứng yêu cầu linh hoạt của thị trường. Tuy nhiên, với việc Luật Điện lực sửa đổi sắp có hiệu lực, cần thiết phải điều chỉnh cơ chế để phù hợp với bối cảnh mới. Bộ Công Thương đang xây dựng lộ trình điều chỉnh ngắn hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà cung cấp và khách hàng sử dụng điện. Đây là chính sách mới tại Việt Nam, dự kiến sẽ có tác động lớn đến mọi đối tượng khách hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp.
Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, để triển khai chính sách này, cần thu thập đầy đủ dữ liệu thực tế và đánh giá chi tiết về tác động đối với các đối tượng sử dụng điện. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được yêu cầu thực hiện các nghiên cứu cần thiết nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho đề xuất này. Sau khi hoàn thành các đánh giá, Bộ Công Thương sẽ trình báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xem xét và phê duyệt, đảm bảo việc áp dụng được thực hiện theo lộ trình phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội tối ưu.