Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

23:55 02/12/2021

Việc xây dựng bản sắc văn hóa dường như có thể giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, động lực phát triển và sức mạnh nội sinh để từ đó vượt khó, tăng trưởng, cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững . Trong thời đại 4.0, khi mà việc sao chép mọi thứ trở nên dễ dàng hơn thì văn hoá doanh nghiệp càng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trong thời đại 4.0, khi mà việc sao chép mọi thứ trở nên dễ dàng hơn thì văn hoá doanh nghiệp càng đóng vai trò quan trọng

Thứ mà doanh nghiệp có thể cho đó là lợi thế cạnh tranh duy trì và phát triển theo thời gian chính là văn hóa.

Văn hóa là ‘gốc rễ’ giúp doanh nghiệp sống khỏe

Mở đầu bài viết, xin trích dẫn một nhận định của tổ chức tư vấn đào tạo quốc tế Franklin Covey rằng, "Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, bí quyết công nghệ chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột… Nhưng có một thứ duy nhất, họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa doanh nghiệp của bạn".

Điều gì làm cho một doanh nghiệp trở nên khác biệt. Liệu có phải là một chiến lược khôn ngoan, hay một sản phẩm ưu việt, hay một đội ngũ giàu kinh nghiệm. Thế nhưng có lẽ qua thời gian, những điều đó sẽ mất dần lợi thế bởi những tiêu chuẩn luôn thay đổi. Thứ mà doanh nghiệp có thể cho đó là lợi thế cạnh tranh duy trì và phát triển theo thời gian chính là văn hóa. Trong thời đại 4.0, khi mà việc sao chép mọi thứ trở nên dễ dàng hơn thì văn hoá doanh nghiệp càng đóng vai trò quan trọng. Không chỉ là bản sắc riêng, đây còn là năng lực cạnh tranh độc quyền của mỗi doanh nghiệp.

ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C – đơn vị tư vấn văn hoá doanh nghiệp, thành viên của tập đoàn MVV Group
Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C – đơn vị tư vấn văn hoá doanh nghiệp, thành viên của tập đoàn MVV Group.

Cho dù là một doanh nghiệp phát triển lâu năm với hàng chục ngàn nhân viên hay chỉ là một start-up mới thì văn hóa vẫn có thể là vũ khí không thể bỏ qua. Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C – đơn vị tư vấn văn hoá doanh nghiệp, thành viên của tập đoàn MVV Group chia sẻ: “Trong một khu rừng, thường sẽ có rất nhiều cây, mỗi cây có một đặc thù riêng, có cây cổ thụ thì vươn cao, có cây thì ở dưới mặt đất. Mỗi một doanh nghiệp cũng giống như một cái cây, không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào, nhưng có một thứ giống nhau nằm ở điểm văn hóa doanh nghiệp chính là những gốc rễ giúp doanh nghiệp có thể sống khỏe. Giống như gốc rễ, văn hóa doanh nghiệp chính là những gì cốt lõi làm cho doanh nghiệp sống khỏe nhất. Nhưng thường đó cũng là cái chính mà ta khó nhìn thấy được vì ‘gốc rễ’ bao giờ cũng nằm dưới mặt đất. Mà gốc rễ có khỏe mạnh thì thân cành mới lớn, lá mới tươi tốt. Cũng giống như đối với một doanh nghiệp, chỉ khi xây dựng được bản sắc văn hóa bền vững thì doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững”. 

“Mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm riêng biệt, và thực chất mọi người có thể sao chép về chiến lược kinh doanh, có thể làm nhái lại sản phẩm, thậm chí là lấy nhân sự của nhau nhưng để sao chép về văn hóa thì là điều không thể. Nếu doanh nghiệp tập trung nhiều vào văn hóa, vào tạo bản sắc riêng của mình thì doanh nghiệp đó sẽ tạo ra một thế mạnh riêng trong cạnh tranh, và điều đó sẽ là rất cần thiết”, ông Vũ nhận định.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid đã làm xáo trộn đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế tế của đất nước, lúc này những câu chuyện về các chiếc ATM gạo, ATM thuốc chữa bệnh, ATM oxy, ATM sách,… miễn phí hay những tấm gương về các doanh nghiệp sẵn sàng chịu thua lỗ nhưng vẫn duy trì sản xuất để người lo động không bị mất việc, hay việc hàng trăm nghìn nhân viên vẫn chấp nhận giảm lương, trụ lại để cùng chung sức với doanh nghiệp. Đây chính là minh chứng cho những giá trị đạo đức kinh doanh, kinh doanh vì cộng đồng,.. Nhiều thứ đã thay đổi khi Covid-19 xuất hiện. Văn hóa doanh nhân Việt Nam dường như đã thể hiện rõ tính nhân văn, tính đồng bào hơn bao giờ hết. Dường như tố chất, tinh thần này của người Việt vẫn nằm sâu trong từng người, nhờ bối cảnh đặc biệt mà được đánh thức

Có thể nói, chính văn hóa là ‘gốc rễ’ giúp doanh nghiệp xác định được phương hướng, tiếp thêm sức mạnh để họ ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng, biến cố bất thường như con bão Covid-19, nhờ đó tiếp tục chèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua mọi thách thức, vững tin trên con đường phát triển bền vũng.

Văn hoá tại nhiều doanh nghiệp mang nặng tính hình thức

Nhằm giúp các nhà quản lý đánh giá được hiện trạng thực thi văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, Blue C đã thực hiện khảo sát 113 doanh nghiệp, đo lường mức độ trưởng thành của hoạt động này. Theo kết quả khảo sát, trong 6 cấp độ trưởng thành của văn hóa doanh nghiệp thì cấp độ 2 và 3 là phổ biến nhất với tỉ lệ hơn 60%. Nghĩa là cứ 6 trong số 10 doanh nghiệp đang thực thi văn hoá ở mức trung bình trong thang đo độ trưởng thành của văn hoá doanh nghiệp. 

Hầu hết (90%) doanh nghiệp đã thiết lập các yếu tố nền tảng của văn hoá doanh nghiệp như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Hoạt động văn hoá doanh nghiệp đã được chú trọng với việc định hình các ý tưởng và khái niệm đơn giản, áp dụng các hình thức truyền thông để giúp nhân viên nhận biết văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa đến một nửa số doanh nghiệp (45%) xác lập các bộ chuẩn hành vi một cách rõ nét và áp dụng chúng vào các quy trình nhân sự của tổ chức. Điều này dẫn đến hậu quả là việc triển khai hoạt động văn hoá tại nhiều doanh nghiệp còn mang nặng tính hình thức.

Khảo sát cũng cho thấy chỉ có 24% doanh nghiệp đưa bộ câu hỏi tuyển dụng phù hợp với văn hoá bắt buộc vào quy trình tuyển dụng. Việc đánh giá nhân sự và khen thưởng nhân viên theo các tiêu chí của văn hoá doanh nghiệp chưa được chú trọng.

Khảo sát về hiện trạng thực thi văn hóa doanh nghiệp cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam mới triển khai ở mức trung bình. Nguồn: Blue C
Khảo sát về hiện trạng thực thi văn hóa doanh nghiệp cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam mới triển khai ở mức trung bình. Nguồn: Blue C.

Hầu hết doanh nghiệp vẫn đánh giá dựa trên kết quả công việc và chưa đánh giá nhân viên theo các giá trị mà doanh nghiệp coi trọng. Các tiêu chí văn hóa doanh nghiệp hoặc chưa được xây dựng, hoặc chưa phải là bắt buộc trong quá trình đánh giá nhân viên. Chính vì tách rời văn hoá khỏi quá trình tuyển dụng, đào tạo và đánh giá nhân sự, doanh nghiệp thường dễ gặp sai lầm trong cách thực thi, xem nặng yếu tố truyền thông mà coi nhẹ việc định hướng hành vi với nhân viên.

Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quan trọng nhưng chưa có sự đầu tư phù hợp và chưa coi trọng việc đo lường hiệu quả văn hóa doanh nghiệp. Khảo sát cũng cho thấy, có 66.36% lãnh đạo nhận thấy vai trò của văn hóa doanh nghiệp là quan trọng hoặc rất quan trọng. Hơn một nửa (56.64%) doanh nghiệp không có ngân sách dành riêng cho văn hoá hoặc chỉ có ngân sách theo sự vụ.  Chỉ có 2 trong khoảng 10 doanh nghiệp (23.01%) là có nguồn lực chuyên trách cho văn hóa doanh nghiệp với các mô tả công việc rõ ràng.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ chia sẻ: “Nếu nói là doanh ngiệp ở Việt Nam chưa đầu tư nhiều cho văn hoá thì chưa phải là đúng. Thực ra họ cũng có đầu tư nhưng mà mức độ mà quan tâm, để ý cho văn hoá doanh nghiệp còn khá là thấp”.

Lý giải về điều này, ông Vũ cho rằng: “Một trong những lý do đầu tiên là lãnh đạo chưa đánh giá đúng vai trò của văn hoá doanh nghiệp trong chiến lược phát triển của mình và thực ra điều đó đang được cải thiện nhiều hơn so với khoảng 2 năm trước. Và tôi tin trong tương lai gần thì nhận thức của mọi người về văn hoá doanh nghiệp sẽ tốt lên. Còn câu chuyện mọi người chần chừ, mọi người không làm là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của nó, chưa đo lường được nó. Còn một khi đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp thì họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Tôi nhận thấy rằng thực tế việc doanh nghiệp còn chưa chú trọng vào văn hóa kinh doanh chủ yếu là do nhận thức, do nguồn lực của doanh nghiệp, do khả năng của doanh nghiệp”

Ông Vũ chia sẻ thêm: “Khi nói về văn hoá doanh nghiệp thì thực sự nó rất quan trọng nhưng hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. Tức là dù khi nói về văn hoá doanh nghiệp mình cứ nói về sứ mệnh, tầm nhìn hay giá trị cốt lõi nhưng mà cuối cùng thì vẫn chỉ đơn giản là quy chuẩn hành vi của doanh nghiệp. Hãy tưởng tượng trong một doanh nghiệp, khi nhân viên không mặc đồng phục của công ty, nhưng cách người ấy ứng xử có phù hợp với văn hóa công ty hay không mới là quan trọng. Nếu một người nói văn hoá của công ty tôi là văn hoá sáng tạo thì điều quan trọng hơn hết là họ có thật sự đổi mới, nghĩ ra các cách làm mới, luôn có các giải pháp, dám thử và dám sai hay không. Văn hóa doanh nghiệp đôi khi phải đi vào những cái nhỏ như vậy. Tức là văn hóa doanh nghiệp là phải đi từ gốc rễ nhưng thứ thể hiện ra bên ngoài cuối cùng là những cái rất là nhỏ. Đôi khi đó chỉ là một nụ cười, một cách chào hỏi, đôi khi nó là một câu nói, đôi khi nó là một bài viết, một bức ảnh”.

Doanh nghiệp muốn lớn mạnh phải có bản sắc văn hóa riêng

Có thể thấy rằng, không thể có quốc gia giàu mạnh nếu giới doanh nhân, doanh nghiệp không có văn hóa, bản sắc ở tầm cao. Nước nào cũng sẽ có văn hoá của đất nước đấy, vùng đất nào cũng có văn hoá của vùng đất đấy và doanh nghiệp nào cũng có văn hoá của doanh nhiệp đấy. Lý tưởng nhất là một doanh nghiệp mang cái bản sắc của riêng mình và mang bản sắc văn hoá của đất nước mình, nó đại diện cho đất nước mình trên trường quốc tế và đó cũng chính là bức tranh đẹp nhất.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10/11 là "Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam", điều đó càng khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa của việc xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp gắn liền với mục đích và động lực vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của một xã hội kinh tế thu nhỏ, chính là sự phát triển đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

Nhìn nhận về điều này, ông Vũ chia sẻ: “Nếu muốn đất nước lớn mạnh thì doanh nghiệp phải mạnh. Muốn doanh nghiệp mạnh thì phải có bản sắc văn hoá riêng. Nếu chúng ta không tạo ra được bản sắc văn hoá riêng thì bản sắc đó sẽ chỉ giống như một con suối nhỏ chảy và khi đổ ra biển khơi sẽ khiến chúng ta sẽ nhạt nhoà, không có dấu ấn trên trường quốc tế”.

Muốn doanh nghiệp mạnh thì phải có bản sắc văn hoá riêng
Doanh nghiệp muốn mạnh thì phải có bản sắc văn hoá riêng.

Và với kinh nghiệm tư vấn văn hóa doanh nghiệp cho nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn, ông Vũ đã đưa ra 4 giải pháp để thực thi văn hoá doanh nghiệp dành cho các nhà lãnh đạo trẻ sau này:

Đầu tiên, phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp. nếu chúng ta không nhận thức đúng thì chúng ta sẽ không dành đủ nguồn lực cũng như sự quan tâm cho văn hoá doanh nghiệp.

Thứ 2, chúng ta phải đề ra phương pháp để có thể đi theo con đường đúng, nếu không chúng ta sẽ đi sai hoặc đi theo cách mà mất rất nhiều nguồn lực , hoặc sẽ giậm phải chân tại chỗ 

Cuối cùng, mình phải tìm ngược lại giá trị bên trong mình, thay vì doanh nghiệp đi sao chép những thứ xung quanh, đừng nhìn ra bên ngoài mà hãy nhìn vào bên trong để thấy mình thật sự là ai, tại sao mình tồn tại và mình tồn tại để giúp quyết vấn đề gì cho xã hội, cho đất nước. Khi mình biết mình là ai đó là cách mà mình có thể tạo ra bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Mình sẽ dùng bản sắc đó như một thứ vũ khí thực sự để tồn tại và chiến đấu. Thay vì đi tìm những mô hình ở đâu đó hay tìm những thứ để sao chép thì hãy tìm ở bên trong chính bản thân mình rồi từ đó phát triển lên.

Sau hai năm chịu tác động của dịch bệnh, chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn giá trị của văn hóa doanh nghiệp, khi mà sự tiếp biến văn hóa sẽ tạo nên nền tảng phục hồi và phát triển bền vững cho đời sống kinh tế - xã hội.  Nhờ văn hóa doanh nghiệp mà có thể giải mã bản sắc riêng, tính đặc trưng, hệ giá trị tạo ra sự khác biệt lớn nhất cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C “Để tạo ra văn hóa doanh nghiệp có một quy trình gọi là quy trình 4S, đầu tiên là Shape ( Định hình văn hóa), cái thứ 2 là Standardized (Chuẩn hóa văn hóa), thứ 3 là Socialize (tức là phổ cập văn hóa đó ra cho mọi người đều biết) và cuối cùng là Sustain ( Duy trì văn hóa). 4 bước đó kết nối với nhau tạo ra sự gắn kết văn hóa trong doanh nghiệp, và để làm được điều này mọi người cần liên tục duy trì văn hóa đó, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cho đến những quản lý cấp trung và cho đến nhân viên, tất cả đều phải cùng chung một cách nhìn, cùng chung một giá trị thì khi đó sẽ xây dựng được văn hóa gắn kết”.

Bảo Trinh – Ngát Đỗ