Đằng sau cú bắt tay làm hòa Alibaba và Tencent

10:51 17/07/2021

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Alibaba và Tencent đang xem xét việc mở cửa hệ sinh thái. Nói cách khác hai bên sẽ nới lỏng hạn chế ở một số hạng mục và liên kết phối hợp với nhau trong khuôn khổ nhất định.

Thông tin ban đầu cho biết Alibaba có khả năng giới thiệu tính năng thanh toán Wechat Pay cho nền tảng thương mại Taobao, đổi lại Tencent cho phép chia sẻ nội dung của thương mại điện tử Taobao trong WeChat hoặc cho phép người dùng ứng dụng sử dụng dịch vụ của Alibaba thông qua các trình duyệt. Hiện tại, Alibaba đã đăng ký trình duyệt mini của Taobao trên Wechat. Dễ hiểu nhất, trong tương lai gần, người dùng có thể sử dụng Wechat Pay thanh toán đơn hàng trên Taobao, ngược lại, chia sẻ liên kết mua sắm Taobao hay Tmall trong WeChat. Tất nhiên, đây chỉ là những tác động hữu hình. Cuộc bắt tay của hai “gã khổng lồ” top đầu Trung Quốc có ý nghĩa sâu xa hơn.

Cuộc đấu trường kỳ

Cuộc đối đầu giữa Alibaba và Tencent đã tồn tại trong nhiều năm nay. Ngay từ năm 2013, hai nền tảng này đã chính thức “từ mặt” nhau khi chặn tất cả các liên kết có liên quan của đối phương. Kết quả là Alibaba và Tencent “đường ai nấy đi” đã tạo cơ hội cho Pinduoduo phát triển và lớn mạnh. Sau đó, cuộc chiến giữa Alibaba và Tencent đã mở rộng sang lĩnh vực thanh toán di động với hai “đấu sĩ” là Alipay và Wechat Pay. Kể từ đây, mọi mặt trận trên Internet đều có sự hiện diện của hai “ông lớn” từ gọi xe trực tuyến, mua hàng online, xe đạp công cộng, mua hàng theo nhóm,... kéo theo là sự ra đời của hàng loạt tranh đấu đình đám như Meituan và Ele.me, Tencent Video và Youku, Enterprise WeChat và Dingding, Maoyan và Taopiao, Didi và Hello,...

Cuộc cạnh tranh ngành thanh toán trực tuyến giữa Alipay và Wechat Pay
Cuộc cạnh tranh ngành thanh toán trực tuyến giữa Alipay và Wechat Pay. (Ảnh: internet)

Cuộc chiến khốc liệt đến mức không chỉ giới hạn trong WeChat và Taobao mà còn mở rộng ra hai hệ sinh thái. Các công ty trực thuộc tập đoàn tương ứng sẵn sàng cạnh tranh hết mình. Trang web tạp chí Fortune của Mỹ đã mô tả Alibaba và Tencent như thế này: “Cả hai đều muốn giữ người dùng trong hệ sinh thái, hệ thống thanh toán và chức năng của họ. Khách hàng sẽ gặp khó khăn khi thanh toán bằng Alipay để sử dụng dịch vụ xe đạp của Tencent”. Dường như tất cả người tiêu dùng Trung Quốc đều mắc kẹt trong cuộc đấu trường kì nói trên.

Tại sao Alibaba và Tencent lại hòa giải?

Từng là đối thủ, lí do nào khiến hai bên bất ngờ làm hòa? Đó là bởi cả hai “ông lớn” đều nằm trong công cuộc chống độc quyền của Chính phủ. Kể từ sau sự vụ IPO hồi tháng 11 năm ngoái, Alibaba là kẻ hiểu rõ nhất hậu quả sâu sắc một khi rơi vào tầm ngắm của chính quyền. Gần đây nhất, Didi cũng đã lãnh hậu quả tương tự. Trong một bài báo nổi tiếng trên mạng vào ngày 7 tháng 7 vừa qua đã đề cập: Dựa vào siêu nền tảng, một số công ty Trung Quốc đã chiếm hơn 99% thị phần mạng xã hội Internet và hầu như không có đối thủ cạnh tranh quy mô lớn. Họ tận dụng lợi thếvà trực tiếp sử dụng các phương pháp khác nhau nhằm ngăn chặn để loại trừ và hạn chế đối thủ cạnh tranh, gây ra tình thế độc đoán và thù địch.

Kế tiếp, các cơ quan quản lý đã ban hành án phạt đối với 22 trường hợp vi phạm trong ngành Internet, bao gồm 6 trường hợp liên quan đến Alibaba và 5 trường hợp liên quan đến Tencent. Các trường hợp này đều vi phạm Điều 21 “Luật chống độc quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và cấu thành hành vi thực hiện chủ trương tập trung bất hợp pháp. Cuối cùng, các cơ quan quản lý đã phạt 500.000 NDT đối với các công ty liên quan. Số tiền 500.000 nhân dân tệ tuy nhỏ nhưng cũng đủ để răn đe các công ty khác.

Chính vì lí do này, Alibaba càng có động lực mở rộng quan hệ với Tencent. Trước áp lực chống độc quyền ngày càng gia tăng, việc Alibaba và Tencent bắt tay nhau làm hòa là điều khó tránh khỏi.

Cuộc hợp tác có ý nghĩa gì?

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là tác động của Alibaba và Tencent trong tương lai sắp tới. Đầu tiên là sự thay đổi trong môi trường thanh toán. Alipay luôn là công ty thống trị trong ngành. Tính đến quý 3 năm 2020, Alipay đã duy trì vị trí hàng đầu với thị phần 55,39% và WeChat Pay có thị phần 38,8% đứng thứ hai. Khi người dùng Taobao bắt đầu sử dụng WeChat Pay, các kịch bản thanh toán của Tencent tăng lên đồng thời thu được một mức tăng đáng kể và tỷ trọng sẽ nhanh chóng thay đổi.

Thứ hai là sự thay đổi của môi trường thương mại điện tử. Vào tháng 1 năm nay, Tencent đã công bố số lượng người dùng hoạt động hàng ngày của WeChat đạt 1,09 tỷ, số lượng người dùng tham gia vòng kết bạn mỗi ngày đạt 780 triệu. Sau khi kết hợp, Alibaba có thể sử dụng lưu lượng truy cập xã hội WeChat để phát triển thương mại điện tử xã hội và đảm bảo tăng trưởng, phân phối lưu lượng truy cập, từ đó giành lấy thị phần.

Tương tác của hai hệ sinh thái Alibaba và Tencent đồng nghĩa với đầu tư vào các liên minh và mở kho dữ liệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này có lợi cho việc tăng cường kết nối giữa các hệ sinh thái đồng thời nâng cao hiệu quả đổi mới của các công ty khởi nghiệp. Sự hợp tác giữa Ali và Tencent đã phát đi một tín hiệu rằng với việc chống độc quyền ngày càng sâu rộng, ngành Internet của Trung Quốc sẽ càng lớn mạnh. Một kỷ nguyên hoàn toàn mới đang bắt đầu.

TL