Thực trạng của thị trường BĐS Công nghiệp
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống bất động sản công nghiệp hiện nay trên cả nước gồm có: 407 Khu công nghiệp (KCN) tại 61/63 tỉnh, thành phố (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích gần 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha;
26 Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu được thành lập lập ở 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền, với tổng diện tích 766.000 ha.
18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871.523 ha.
4 Khu công nghệ cao (KCNC) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với tổng diện tích 3.834,8 ha, gồm KCNC Hòa Lạc: 1.586 ha, KCNC TP.HCM: 913 ha, KCNC Đà Nẵng: 1.218 ha và KCNC công nghệ sinh học Đồng Nai 207,8 ha.
6 Khu công nghệ thông tin tập trung tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, với tổng diện tích 237,3 ha;
Hơn 1000 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 31.000 ha, trong đó có 748 cụm công nghiệp với tổng diện tích 23.950 ha đã đi vào hoạt động.
Bên cạnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN), còn có hàng ngàn doanh nghiệp đầu tư tạo mặt bằng, xây dựng nhà xưởng cho thuê, kho bãi cho thuê, khu nhà ở công nhân… phục vụ sản xuất công nghiệp.
Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 Khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ổn định ở mức 300 -350.000 ha.
Các KCN đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Samsung, Intel, Sumitomo, Foxconn, LG, Hyosung, Canon, Robert Bosch, Lego … với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và thế giới.
Nhiều doanh nghiệp trong nước khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh cơ sở hạ tầng (CSHT) các KCN đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước.
Hệ thống các Khu kinh tế (KKT) ven biển đã tận dụng và phát huy được lợi thế về địa chính trị kinh tế, như các KKT Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn... đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư cho thuê kho bãi, sản xuất thiết bị vật liệu xây dựng… là những sản phẩm bất động sản công nghiệp đặc thù.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố: tính đến cuối năm 2022, các KCN, KKT đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 231 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 221,3 tỷ USD và hơn 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng. Năm 2020, các doanh nghiệp trong KCN, đã đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào ngân sách 137 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động.
Nhu cầu cần phải thành lập một hội nghề nghiệp BĐS Công nghiệp
Đứng trước nhu cầu phát triển chung của đất nước, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã quyết định thành lập Ban vận động để thành lập Liên Chi hội Bất sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) nhằm tạo lập một sân chơi chung cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản công nghiệp trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phát triển kinh doanh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên toàn cầu.
VIREA là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bất động sản công nghiệp khác trong và ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics ... và các tổ chức tài chính hỗ trợ liên quan đến bất động sản công nghiệp ...thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần phát triển bền vững lĩnh vực bất động sản và công nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
VIREA có vai trò, nhiệm vụ là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên. Cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên. Tổng hợp, phản ánh các vướng mắc của các doanh nghiệp về chính sách, cơ chế quản lý, vận hành các KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN tới các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN với các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương…
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp pháp triển Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, VIREA tổ chức theo hướng đổi mới, chuyên nghiệp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển Liên Chi hội trong bối cảnh mới; nâng cao năng lực kết nối, tập hợp, quản lý, chuyên môn của lãnh đạo và cán bộ Liên Chi hội…
Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng phát biểu và chỉ đạo tại đại hội: "Chúng tôi đánh giá cao công tác triển khai của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, của Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam khi chính thức ra mắt. Thời gian qua, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục khi có thêm nhiều dự án đầu tư, sự quan tâm của các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu ngày càng lớn, xu hướng gia tăng các sản phẩm chuyên nghiệp, nhà kho xây sẵn, trung tâm dữ liệu…
Góp ý cho hoạt động của Liên chi hội, ông Hoàng Hải cho rằng, Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cần tham gia sâu rộng cùng các cơ quan Nhà nước về cơ chế, chính sách, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên, tương trợ lẫn nhau để tháo gỡ vướng mắc, cùng nhau phát triển. Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam nên mời các chuyên gia uy tín của các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu của các ngành, đầu ngành.
VIREA phải là cầu nối tin cậy của các doanh nghiệp, hội viên, tích cực tham gia tư vấn các đề án, có đóng góp ý kiến, xây dựng về cơ chế, hoạt động hiệu quả, xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế... VIREA không chỉ phát triển về số lượng mà còn cả chất lượng hội viên.
Sau quá trình biểu quyết đạt kết quả 100% các hội viên tham gia, Đại hội đã thống nhất bầu ra Ban Chấp hành Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2029 gồm 59 đồng chí.
Đại hội đã thống nhất bầu TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - làm Chủ tịch VIREA nhiệm kỳ 2024-2029.
Thu Hiền