Cuộc cạnh tranh vũ trụ của các cường quốc hàng đầu thế giới

14:55 18/01/2022

Trong khi Mỹ và Trung Quốc khởi động kỷ nguyên cạnh tranh vũ trụ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng tìm kiếm vị thế trong cuộc đua giành tài nguyên và vinh quang lên mặt trăng. Nếu các lãnh đạo quyền lực như ông Tập Cận Bình, Joe Biden và Vladimir Putin đặt chân lên vũ trụ, liệu điều này có thay đổi thế giới?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa từng phát biểu cảm nghĩ về cuộc hành trình 12 ngày tới Trạm vũ trụ quốc tế: "Nếu bạn tận mắt nhìn thấy, khung cảnh còn đẹp hơn gấp 100 lần". Tầm nhìn của vị tỷ phú có lẽ dừng lại tại đây nhưng các nhà lãnh đạo thế giới để mắt đến mục tiêu cao hơn, xa hơn, đặc biệt là mặt trăng.

Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang lên kế hoạch cho sứ mệnh lên mặt trăng năm 2022. Những bức hình chụp trên mặt trăng do các nước công bố là tín hiệu cho thấy một cuộc cạnh tranh vũ trụ ngày càng tăng lên, cùng với đó là lợi thế về tài nguyên, công nghệ và vinh quang quốc gia. Các sứ mệnh được đặt ra đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ, thậm chí tốn kém hơn chống dịch Covid-19.

Ông Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao và chuyên gia về không gian vũ trụ tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc "vẫn chưa tham gia cuộc chạy đua không gian" trong thời điểm hiện tại. Nhưng ông gợi ý rằng, điều này hoàn toàn có thể thay đổi nếu Mỹ chậm tiến độ và lo ngại Trung Quốc có cơ hội vượt trước. Ông Davis chỉ ra: "Trung Quốc sẽ giành được độ tín nhiệm cao nếu đánh bại Mỹ trong cuộc đua lên mặt trăng".

Tính đến nay, Mỹ vẫn dần đầu lĩnh vực này. Chương trình Artemis của NASA đã chuẩn bị cho lần cất cánh đầu tiên trong năm nay, đưa tàu vũ trụ Orion không người lái vào quỹ đạo mặt trăng. Đây sẽ là bước đệm mở đường cho nhiệm vụ Artemis thứ hai đưa các phi hành gia vào không gian. Sau đó là Artemis III, cột mốc quan trọng đối với hoạt động thám hiểm và hợp tác chính phủ cùng các "tỷ phú vũ trụ". 

Sứ mệnh này liên kết với SpaceX Starship của Elon Musk. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, Artemis III sẽ đặt những dấu chân người đầu tiên lên mặt trăng kể từ năm 1972. Tuy nhiên, chương trình này dự kiến sẽ hoãn cho đến sớm nhất là năm 2025 do khó khăn kỹ thuật và hạn chế bởi đại dịch Covid-19. Chương trình ước tính tiêu tốn 93 tỷ đô la cho đến năm tài chính 2025, tăng 86 tỷ so với dự kiến trước đó.

Trong bối cảnh này, Trung Quốc tập trung hoàn thành trạm vũ trụ Tiangong ở quỹ đạo thấp. Nước này lên kế hoạch du hành lên mặt trăng vào những năm 2030. Bắc Kinh có ba chuyến du hành mặt trăng trong thập kỷ này, bao gồm chuyến tàu Chang'e 8 năm 2027. Junya Terazono, một chuyên gia khoa học cho hay: "Rõ ràng Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ trước Mỹ. Đằng sau những nỗ lực đó là mục tiêu đưa đất nước trở thành cường quốc số một về công nghệ theo tầm nhìn Made in China 2025". Theo đó, Bắc Kinh sẽ có khả năng tự cung tự cấp trong các lĩnh vực chiến lược như chế tạo robot và thiết bị hàng không vũ trụ.

Có rất nhiều lí do khiến các cường quốc đua nhau bay vào không gian, một trong số đó là nguồn tài nguyên phong phú như heli-3, đồng vị cần thiết cho năng lượng tổng hợp hạt nhân. Mối quan tâm nhiệt hạch đã tồn tại hàng thập kỷ trên thế giới, con người tìm kiếm một dạng năng lượng nguyên tử an toàn hơn, bền vững hơn và có thể là vô hạn. Trong khi đó, các cơ sở năng lượng mặt trời trên mặt trăng có thể bổ sung năng lượng tái tạo trên Trái đất.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida nhận định: "Không gian là biên giới tạo ra ước mơ và hy vọng trong tâm trí con người. Đó cũng là cơ sở hạ tầng quan trọng cho an ninh kinh tế". Cùng với Ấn Độ, xứ sở Hoa Anh Đào thực hiện sứ mệnh đặt chân lên cực nam mặt trăng vào năm 2024. Hàn Quốc cũng là một trong những bên tham gia hiệp định Artemis được thiết lập để phóng tên lửa lên quỹ đạo mặt trăng. Sim Chae-kyung, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Không gian và Thiên văn Hàn Quốc, cho biết, đây sẽ là "khởi đầu chương trình khám phá không gian của Hàn Quốc".

TL