ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc, đang tìm đến các ngân hàng để vay khoản tiền lên tới 9,5 tỷ USD. Đây được cho là khoản vay bằng đồng USD lớn nhất tại châu Á (ngoài Nhật Bản), theo thông tin từ những người am hiểu về vấn đề này cho biết.
Theo ông Li Chengdong, người sáng lập kiêm nhà phân tích chính của Công ty tư vấn Dolphin tại Bắc Kinh, ByteDance cần sử dụng một phần số tiền từ khoản vay này để hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh quốc tế của mình. Ông Li cho biết, ví dụ như hoạt động thương mại điện tử ở nước ngoài của công ty vẫn đang trong giai đoạn “đầu tư ban đầu” và đòi hỏi hàng trăm triệu USD để xây dựng hệ sinh thái. Khoản vay này cũng có thể giúp duy trì mối quan hệ tốt với các ngân hàng.
Citigroup, Goldman Sachs và JPMorgan là các ngân hàng điều phối cho khoản tài chính mới nhất này, với kỳ hạn là 3 năm và có thể được gia hạn lên đến 5 năm.
Hiện ByteDance từ chối bình luận về vấn đề này.
Mặc dù ByteDance giữ kín thông tin chi tiết, quy mô của khoản vay đã làm dấy lên những đồn đoán rằng, các nguồn lực này có thể được sử dụng để thúc đẩy các nỗ lực của công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử và các ngành kinh doanh mới khác. Công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động thương mại điện tử sang các thị trường như Mexico, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, theo một báo cáo của South China Morning Post vào tháng 5, trích dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.
TikTok Shop ban đầu được triển khai tại Vương quốc Anh và Indonesia vào năm 2021, sau đó là năm quốc gia khác ở Đông Nam Á vào năm 2022. Tính năng chợ trực tuyến của TikTok đã được giới thiệu tại Hoa Kỳ vào tháng 9 năm ngoái.
Tuy nhiên, bước tiến của ByteDance vào thị trường thương mại điện tử tại Hoa Kỳ chưa đạt được kỳ vọng. Theo báo cáo của truyền thông Trung Quốc LatePost vào tháng trước, tổng giá trị giao dịch hàng hóa trung bình hàng ngày của TikTok Shop tại Mỹ trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 20 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45 triệu USD mà công ty đặt ra cho năm 2024.
Được thành lập vào năm 2012, ByteDance đã trở thành một trong những công ty truyền thông xã hội hàng đầu Trung Quốc với ứng dụng video di động Douyin phổ biến rộng rãi. Công ty cũng là chủ sở hữu của TikTok, ứng dụng mạng xã hội được ưa chuộng tại Mỹ.
Ứng dụng CapCut và Doubao của ByteDance cũng đã dẫn đầu về số lượt tải ứng dụng AI toàn cầu trong tháng 7, theo Công ty nghiên cứu Unique Capital, cho thấy những nỗ lực của kỳ lân công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực AI đang thu lại kết quả.
Mai Anh