Mới đây, HĐQT TCL thông báo chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 22.31% (1 cp được nhận 2,231 đồng). Với hơn 30.1 triệu cp đang lưu hành, ước tính TCL cần chi hơn 67 tỷ đồng để hoàn tất đợt chia cổ tức này.
Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/08 và ngày thanh toán dự kiến vào 25/10/2023.
Theo kế hoạch ban đầu, mức chia cổ tức 2022 là 21%, tuy nhiên ĐHĐCĐ thường niên 2023 của TCL thông qua tỷ lệ thực hiện là 22.31%. Như vậy, Công ty đã thực hiện được kế hoạch cổ đông đề ra nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn năm 2019-2021.
Đơn cử, cuối tháng 9/2022, TCL đã chi gần 127 tỷ đồng để trả cổ tức 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 42% (4,200 đồng/cp) - vượt xa kế hoạch ban đầu là 22%. Trước đó, tỷ lệ cổ tức năm 2020 là 50% bằng tiền mặt và năm 2019 là 70% bằng tiền mặt.
Lý giải nguyên nhân chia cổ tức 2022 thấp hơn những năm trước, Chủ tịch HĐQT TCL - Lê Hoàng Linh cho biết giai đoạn 2019-2021, Công ty ghi nhận tăng trưởng đột biến, do đó phần lợi nhuận để lại được nhiều. Nghị định 140 Chính phủ yêu cầu chia hết và công ty mẹ là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng yêu cầu chia hết.
"Còn với cổ tức năm 2022, TCL hoàn toàn có thể chia 30% nhưng Công ty muốn dành để trích quỹ đầu tư. Sau khi đầu tư dự án có hiệu quả như dự án bên ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch, tới khoảng năm 2028-2030, mức cổ tức chắc chắn cao hơn 30%", lãnh đạo TCL cho hay.
Gần đây, danh sách cổ đông lớn của TCL có thêm sự góp mặt của America LLC sau khi quỹ ngoại này mua vào 16,300 cp TCL trong ngày 27/07 để nâng tỷ lệ sở hữu từ 4.97% lên 5.02% (tương ứng hơn 1.5 triệu cp).
Như vậy, TCL hiện có 2 cổ đông lớn gồm Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (công ty mẹ nắm giữ 51% vốn) và America LLC (5.02%). Thông qua đợt trả cổ tức 2022 đề cập ở trên, ước tính hai tổ chức này có thể thu về lần lượt hơn 34 tỷ đồng và hơn 3 tỷ đồng cổ tức.
Bàn về kết quả kinh doanh của TCL, Chủ tich Lê Hoàng Linh chia sẻ 5 năm gần đây, Công ty tăng trưởng tốt, đặc biệt lợi nhuận luôn tăng trưởng từ 5-8%. “Năm 2023, có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn để hòa vốn nhưng TCL vẫn đặt kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 5% trở lên so với năm trước” - ông Linh cho biết.
Theo đó, TCL dự kiến đem về hơn 1,409 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 131 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2023. Sau 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty ở mức 732 tỷ đồng; lãi sau thuế 77 tỷ đồng, tăng tương ứng 5% và 10% so với cùng kỳ. Như vậy, Doanh nghiệp thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và 58% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trên sàn chứng khoán, sau khi tạo đáy 26,100 đồng/cp vào giữa tháng 11/2022, cổ phiếu TCL vẫn duy trì đà tăng tích cực và leo lên mức 40,000 đồng/cp (kết phiên 04/08), qua đó quay lại vùng đỉnh lịch sử lập hồi giữa tháng 11/2021.
Công ty cổ phần Đại lý Giao nhận vận tải Xếp dỡ Tân Cảng được thành lập theo Quyết định số 442/QĐ-TC-TCLĐ ngày 13 tháng 3 năm 2007 của Hội đồng quản trị công ty Tân Cảng Sài Gòn, là công ty con của công ty Tân Cảng Sài Gòn - Bộ Quốc phòng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, thực hiện hạch toán kinh doanh độc lập theo Luật doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của công ty cổ phần. Với vốn điều lệ 129 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đại lý Giao nhận vận tải Xếp dỡ Tân Cảng, chính thức hoạt động, hạch toán kinh doanh độc lập từ ngày 01 tháng 4 năm 2007. Ngày 24 tháng 12 năm 2009 Tan Cang Logistics chính thức trở thành thành viên thứ 221 của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh; với việc niêm yết 17.000.000 cổ phiếu tại sàn HOSE tạo điều kiện để công ty quảng bá hình ảnh và thương hiệu, đặc biệt đây là một trong những kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án trung và dài hạn của công ty.
Nghệ Nhân/ Theo tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống