Cơ hội để nhà băng cân đối nguồn vốn

00:00 12/10/2020

Nếu Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN được thông qua, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn và áp lực huy động vốn trong hệ thống ngân hàng cũng không quá căng thẳng.

Kịch bản phù hợp với bối cảnh 

Theo quan điểm của NHNN, việc xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn trong thời điểm hiện nay là phù hợp. Bởi hiện tại do áp lực của dịch Covid-19 lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm; nếu được duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động sẽ giúp các NHTM có thể giảm chi phí vốn và tiếp tục triển khai được các gói vay ưu đãi lãi suất cho khách hàng.

Trên thực tế, theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến hết quý 1/2020 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 25,52%. Trong đó nhóm NHTM có vốn Nhà nước dù có cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ khoảng 28,92%.

Điều này cho thấy, ngay cả khi tỷ lệ tối đa 37% được NHNN áp dụng theo đúng lộ trình, tức là từ ngày 1/10 tới đây, thì các NHTM cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nếu được duy trì tỷ trọng dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn một mặt giúp giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng; mặt khác giúp các ngân hàng có thể tự tin và chủ động hơn trong việc cấp vốn vào các công trình, dự án trọng điểm tại các địa phương. Điều này cũng phù hợp với chủ trương thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.

Dưới góc nhìn của mình, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, hiện nay diễn biến dịch Covid-19 còn khá phức tạp. Việt Nam vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Vì vậy, trong thời điểm này cả đầu vào và đầu ra của các NHTM đều gặp khó khăn. Nếu NHNN linh hoạt điều chỉnh các tỷ lệ an toàn vốn hợp lý thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để các nhà băng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng bền vững và có độ trễ nhất định nhằm ứng phó với các tác động xấu có thể xảy ra nếu dịch bệnh kéo dài.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, hiện nay nhu cầu vay vốn trung dài hạn của nền kinh tế đã bắt đầu nhiều hơn sau các tháng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Nhu cầu vay vốn tái đầu tư của các DN nhiều lên, các DN cần các gói vay dài hạn để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, thời điểm này thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào. Vì vậy, việc duy trì tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giúp các ngân hàng đẩy thêm được dòng tiền ra thị trường, hỗ trợ cộng đồng DN.

Giảm áp lực huy động vốn 

Theo phân tích của một số chi nhánh NHTM, mặc dù hiện nay tỷ trọng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở nhiều đơn vị là khá thấp và vẫn còn dư địa để tăng trưởng các gói vay dài hạn. Tuy nhiên, về cơ bản thị trường vốn trong 6 tháng đầu năm có sự trầm lắng. Hoạt động tăng thêm vốn tự có bằng phát hành cổ phiếu, trái phiếu kỳ hạn dài đối với nhiều TCTD là không dễ dàng. Vì thế nếu phải co kéo tỷ lệ sử dụng vốn huy động thì khả năng tăng trưởng các khoản vay lớn sẽ bị chậm lại, tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm cũng sẽ khó hơn.

Ở góc độ liên quan đến lãi suất, đại diện một ngân hàng có trụ sở tại quận 3 TP.HCM cho rằng, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động đang khá thấp, chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn dài và lạm phát không còn đáng kể. Điều đó gây nhiều khó khăn cho các nhà băng trong việc hút vốn dài hạn. Trong khi nếu ngân hàng nào gần chạm đến ngưỡng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì sẽ phải tăng cường huy động vốn dài hạn để bổ sung vào nguồn vốn vay. Khi đó áp lực tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi sẽ xuất hiện và mặt bằng lãi suất các kỳ hạn dài có thể biến động, ảnh hưởng đến lãi suất cho vay các kỳ tương ứng.

Trong chừng mực dự báo, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng với cộng hưởng của việc NHNN áp dụng lộ trình dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vào đầu tháng 10/2020 và sự phục hồi của nhu cầu vay vốn trung, dài hạn có thể lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối 2020 và đẩy mức độ cạnh tranh về tiền gửi trong hệ thống ngân hàng lên gay gắt hơn so với thời điểm hiện tại và xu hướng giảm lãi suất tiền gửi đang diễn ra trong tháng 7 vừa qua có thể đảo chiều tăng trở lại vào các tháng tới.

Cân nhắc giãn 6 tháng hoặc 1 năm Theo kế hoạch, NHNN hiện đang cân nhắc 2 phương án lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn. Theo đó;

Phương án 1 là lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 6 tháng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/3/2021: 40%; từ 1/4/2021 đến hết ngày 31/3/2022: 37%; từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/3/2023: 34%; từ ngày 1/4/2023: 30%.

Phương án 2 là lùi thời hạn áp dụng tỷ lệ này thêm 1 năm, như sau: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%; từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; từ ngày 1/10/2023: 30%.

Bình Thạch