Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nhà mua hàng nước ngoài tại "sân nhà"

10:26 14/04/2024

Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” dự kiến thu hút 10.000 lượt khách tham quan, các DN Việt Nam có cơ hội giao dịch với 300 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp hơn 200 kênh phân phối và nhà nhập khẩu

Tiếp nối sự thành công của “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023), Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) chủ trì và Công ty CP ADPEXN tổ chức chuỗi sự kiện vào ngày 6 -8/6/2024 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn.

Sự kiện
Sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023 thu hút các tâp đpàn từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024 có quy mô 10.000 m2 dành cho 500 doanh nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế, tập trung vào 5 ngành hàng chính: Thực phẩm - đồ uống; Hàng may mặc, thời trang; Giày dép, túi xách, phụ kiện; Đồ thể thao; Đồ gia dụng và nội thất… dự kiến trưng bày 10.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Viet Nam International Sourcing 2024 không chỉ là sự kiện thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Ban tổ chức hy vọng nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các hội thảo, hoạt động kết nối giao thương... để Viet Nam International Sourcing 2024 trở thành điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu.

Các mặt hàng nông sản luôn được các nhà thu mua tìm hiểu
Các mặt hàng nông sản luôn được các nhà thu mua tìm hiểu.

Với sự chung tay của Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ và Vụ thị trường Châu Á – Châu Phi, các thương vụ ở nước ngoài đã cùng vào cuộc, chủ động tìm kiếm các nhà mua hàng lớn thông qua nhiều hình thức truyền thông trực tiếp hoặc điện tử, qua các kênh xúc tiến thương mại, networking… và mời các tập đoàn bán lẻ về Việt Nam tiếp xúc, tìm hiểu đặt hàng các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam

Ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico cho biết: Tập đoàn Copel mong muốn tìm các nhà sản xuất cung ứng về lốp xe ô tô, hiên nay họ có nhu cầu mua 500.000 chiếc lốp/năm đồng thời họ đang tìm kiếm các nhà sản xuất quần áo, giày dép vào thị trường này để cung cấp cho khách hàng có thu nhập thấp. Nhu cầu cần khoảng 65 triệu đôi giày,  200 triệu sản phẩm quần áo.

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng nhận định cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đang được nâng cao dần uy tín, khi các nhà nhập khẩu của Mỹ cần tìm các nhà cung cấp tin cậy và Việt Nam đang nổi lên như một nhà cung cấp tin cậy. Tất nhiên các tiêu chuẩn vào thị trường này cũng khá khắt khe, ông cũng cảnh báo các nhà sản xuất dệt may Việt Nam cần chú ý đến những quy định về nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Tân Cương (Trung Quốc), nếu vi phạm nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ sẽ trả về thậm chí tiêu hủy, như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam là "mỏ vàng" chưa được khai phá của thị trường Halal

Thị trường Halal có 1,6 tỷ người theo đạo Hồi, kinh tế Hồi giáo chiếm khoảng 2.000 tỷ USD năm 2023, và sẽ có tốc độ phát triển 5.000 tỷ USD vào năm 2030. Các sản phẩm Hồi giáo và tài chính Hồi giáo chiếm 3,6000 tỷ USD. Riêng cộng đồng hợp tác quốc gia Vùng vịnh (NCC) nhập khẩu 50 tỷ USD trong năm 2023

Ông Trương Xuân Trung – Tham tán thương mại Việt Nam tại UEA đánh giá thị trường Hồi giáo đang rất nhiều tiềm năng. Trong các lĩnh vực thời trang, truyền thông, giải trí, họ đứng thứ ba thế giới về thị trường tài chính, họ có thị trường công nghiệp thực phẩm trị giá 19 tỷ USD bao gồm thịt gia cầm.

Dubai là Hub phân phối sản phẩm Halal ra toàn thị trường thế giới, theo dự báo thực phẩm và đồ uống của UEA sẽ vượt 5,5 tỷ USD vào năm 2024. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này cần giấy chứng nhận Halal của Bộ Công nghiệp công nghệ cao của UEA .

Ông Trung cũng nhận định, Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường Hồi giáo có 3 lợi thế cạnh tranh: Có vị trí địa lý thuận lợi gần các nước Hồi Giáo trong khu vực Đông Nam Á. Có quan hệ chính trị tốt đẹp với Châu Phi và Trung Đông, Chính phủ có tuyên bố cấp cao về đề án sản xuất, nhập khẩu vào thị trường Halal và Việt Nam đang đứng thứ ba về sản xuất nông thủy sản như gạo, chè, cafe. Tuy nhiên, hạn chế là nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có giấy chứng nhận Halal, chưa nắm được các thủ tục, quy trình làm sao xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Hồi giáo.

Hạt điều của Việt Nam là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường Halal
Hạt điều của Việt Nam là một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường Halal.

Kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường UEA trong quý 1/2024 đạt gần 2 tỷ USD tăng 48,85%, trong đó xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD tăng gần 40%, nhập khẩu đạt 358 triệu USD. Những mặt hàng có thế mạnh như: hạt điều nhập vào thị trường này tăng 41,19%, rau, củ, quả tăng 35,55%, thủy sản tăng 37,4%, gạo tăng 65,43%.

Về tiềm năng của thị trường Hồi giáo, ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu cũng chia sẻ thêm: Tập đoàn Lulu phân phối tại thị trường Hồi giáo, nhiều sản phẩm được thu mua từ Việt Nam. Việt Nam có phở gà, phở bò ngon nhưng làm sao đóng gói xuất sang thị trường này với các tiêu chuẩn phù hợp. Việt Nam cần phối hợp với các nông hộ để tìm cách xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Malaysia…

Ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương nhìn nhận về thị trường Halal: Chúng ta đang ở trên "mỏ vàng" chưa khai phá, chúng ta có năng lực chế biến, có nguyên liệu phong phú, và nhu cầu thị trường rất lớn, có thể do chúng ta chưa có chính sách giúp ngành công nghiệp phát triển. Các hiệp hội ngành hàng cũng chưa có nghiên cứu đúng mức về sự phát triển ngành công nghiệp Halal. Và do vậy chúng ta để mất rất nhiều cơ hội. Hy vọng trong tương lai, các bộ ngành cùng tập trung để phát triển ngành công nghiệp Halal ở Việt Nam để có được doanh nghiệp hàng đầu xuất khẩu đi thị trường này...

Theo số liệu Hải quan Việt Nam, tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 93,06 tỷ USD tăng 17%;  kim ngạch nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD. Riêng đối với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ, trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 55,6 tỷ USD tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 44,9 tỷ USD tăng 21,6%;  kim ngạch nhập khẩu đạt 10,7 tỷ USD tăng 15,7%. Thặng dư thương mại của Khu vực châu Âu - châu Mỹ đạt 34,2 tỷ USD

Thu Hiền