Phổ cập smartphone toàn dân
Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, cũng là năm đầu tiên có chương trình phổ cập smartphone đến 100% người dân thông qua việc sản xuất smartphone giá rẻ mang thương hiệu Việt.
Theo chương trình này, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng (với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, giá thành sản phẩm giảm thêm 10 USD), cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt chỉ còn khoảng 20 USD, tức chưa đến 500.000 đồng/chiếc.
Thực ra, khát vọng phổ cập smartphone đã được đặt ra từ năm 2014. Thời điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đang là Tổng giám đốc Viettel đã nói: “Viettel đang nuôi khát vọng từ nay đến năm 2020, mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc smartphone. Nếu chúng ta làm được việc mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu một chiếc smartphone để truy cập Internet với giá rẻ, thì đó là một cuộc cách mạng”.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất với kiến nghị của bộ này về việc tắt sóng 2G để chuyển nhanh hạ tầng viễn thông lên công nghệ mới. Điều này nhằm mục tiêu 100% người dân Việt Nam có smartphone và bổ sung tần số 4G, nâng cao chất lượng mạng lưới và tốc độ băng rộng.
Có thể thấy, năm 2020 là thời điểm thuận lợi để bắt đầu chương trình phổ cập smartphone, bởi đây là năm Việt Nam sẽ thương mại hóa công nghệ 5G mới, tắt sóng 2G và quan trọng nhất là năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được về giá thành sản phẩm và mang lại nguồn lợi lớn.
Ai sẽ giữ vai trò chủ lực?
Nhóm “lĩnh ấn tiên phong” trong chương trình phổ cập smartphone rất có thể là VinSmart và Viettel. Trong đó, VinSmart đang hội tụ đủ yếu tố để trở thành nhà cung cấp smartphone giá rẻ lớn nhất Việt Nam. Trước hết, về năng lực sản xuất, Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có diện tích gần 14,8 ha, tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm, trong đó năng lực sản xuất smartphone khoảng 23 triệu sản phẩm/năm.
Về sản phẩm, VinSmart đang có chiến lược bình dân hóa smartphone. Mới đây nhất, chiếc smartphone Vsmart Bee 3 được VinSmart tung ra thị trường có giá niêm yết chỉ 1,39 triệu đồng/chiếc, nhưng vẫn sở hữu chip lõi tứ và 2GB RAM. Ngoài ra, Joy 3 của VinSmart có giá niêm yết 2,3 triệu đồng/chiếc, trang bị vi xử lý Snapdragon 632, màn hình 6,52 inch. Hay chiếc Star 3 sử dụng vi xử lý Qualcomm Snapdragon 215, RAM 2GB và bộ nhớ 16GB, giá niêm yết chỉ 1,8 triệu đồng/chiếc…
Về phía Viettel, để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, tập đoàn này có kế hoạch đẩy mạnh việc phổ cập 4G. Trong đó, Tập đoàn phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam phân phối loạt smartphone 4G dưới 1,5 triệu đồng/chiếc và feature phone 4G khoảng 400.000 đồng/chiếc. Mục tiêu của Viettel là có thêm 10 triệu thuê bao 4G tại Việt Nam, tăng tỷ lệ người dùng 4G từ 43,5% lên 62% trong năm 2020.
Muốn phổ cập smartphone, chắc chắn phải có sự tham gia của các nhà mạng, bởi họ là người hưởng lợi đầu tiên trong chương trình này, với nguồn thu lớn đến từ việc tiêu thụ data. Vì vậy, rất có thể, sẽ có sự bắt tay giữa các nhà sản xuất smartphone như VinSmart với các nhà mạng như Viettel, MobiFone, Vinaphone bằng việc trợ giá, thực hiện bán smartphone giá rẻ kèm gói cước, data.
Trong việc phổ cập smartphone, ngoài thuận lợi khách quan về chính sách như tắt sóng 2G, triển khai 5G, Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành chính phủ điện tử, thì bản thân các đầu tàu như Vingroup, Viettel cũng có lợi thế lớn như có trong tay lượng khách hàng lớn, hệ sinh thái tương đối hoàn chỉnh hỗ trợ rất tốt cho nhau từ khâu sản xuất, tiêu thụ và cung cấp dịch vụ gia tăng.
Rõ ràng, đây là cơ hội lớn để các nhà sản xuất smartphone và nhà mạng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường.
Hữu Tuấn