Chủ tịch Vinasme: Việc phổ biến và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào nền kinh tế số là hết sức cấp bách

10:33 20/01/2022

Sáng ngày 20/1, Đại học RMIT phối hợp cùng Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) và Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA) đã tổ chức Diễn đàn "Nhận thức về An toàn thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam". Tại Diễn đàn, TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME đã có những ý kiến đóng góp xung quanh về tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số và an toàn thông tin giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của Việt Nam.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn.

Tại Diễn đàn ngày hôm nay, các diễn giả sẽ xoay quanh 2 vấn đề chính. Thứ nhất là an toàn thông tin giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Thứ hai là sự chuẩn bị cho chuyển đổi nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số. 

TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ngồi giữa) chia sẻ tại Diễn đàn
TS.Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ngồi giữa) chia sẻ tại Diễn đàn.

Nhận định về tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số và an toàn thông tin, TS.Nguyễn Văn Thân chia sẻ tại Diễn đàn: "Chuyển đổi số và an toàn thông tin là chủ đề nóng của toàn thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là xu hướng toàn cầu. Nó vừa là sân chơi giữa các cường quốc đồng thời cũng là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển vươn lên trở thành những con hổ trên đường đua về tăng trưởng kinh tế. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng ta đã xác định rõ: Kinh tế số là mô hình kinh tế mà chúng ta đang hướng tới, với mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt tỷ trọng 20% GDP và đến năm 2030 đạt khoảng 30% GDP. Để đạt được mục tiêu trên, theo ông, Văn kiện cũng đã nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của KHCN, nhất là cuộc CMCN 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".

Những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đề ra cho thấy rõ tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển KT-XH của đất nước, đồng thời khẳng định tầm nhìn và khát vọng vươn lên vì một “Việt Nam Hùng Cường” trong bối cảnh thế giới đang vận chuyển rất nhanh và liên tục có những thành tựu mới ra đời, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Ông Thân cũng thông tin thêm: "Kinh tế số tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng internet ở Việt Nam là 17,7 triệu người nhưng đến năm 2022 con số này đã tăng lên khoảng 75 triệu người, chiếm 75% dân số cả nước. Dựa trên xếp hạng thế giới thì Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong Top 20 quốc gia có số lượng người sử dụng Internet đông nhất thế giới".

"Ngoài ra, hệ sinh thái số ở Việt Nam có ba thị trường nổi bật là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Trong đó, thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện ở mức 5,2 tỷ USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo bắt đầu hình thành một cách đầy đủ và dự báo nền kinh tế số Việt Nam đến năm 2025 có thể cán mốc 43 tỷ USD", ông Thân chia sẻ. 

Mặc dù có thể thấy những con số trên tương đối ấn tượng, nhưng thực chất số lượng doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi này vẫn còn hạn chế. Theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thì có tới 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng ngoài nền kinh tế số và chỉ có khoảng 20% đang “chập chững” tìm hiểu. Qua đánh giá, ông Thân cho rằng, kinh tế số và hành động của các doanh nghiệp còn tương đối chậm chạp, chưa đồng đều và thiếu thống nhất. "Do đó, việc phổ biến và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào nền kinh tế số là hết sức cần thiết và cấp bách. Đó chính là lí do mà chúng ta có chương trình ngày hôm nay: 'Nhận thức về an toàn thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam', một khía cạnh trong vận hành nền kinh tế số", ông Thân nhận định. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, với khoảng 62.000 hội viên và hơn 60 Hiệp hội doanh nghiệp thành viên tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với chuyển đổi số, chẳng hạn như tổ chức các khóa đào tạo cho chủ doanh nghiệp và người lao động về tư duy nhận thức về chuyển đổi số, và trực tiếp hỗ trợ các địa phương xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử, ví dụ như tại tỉnh Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hòa Bình và sắp tới là Nam Định.

Ông bày tỏ niềm vui mừng khi nhận thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại một số địa phương đã dần bắt nhịp với các doanh nghiệp tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Đà Nẵng. Điều này cho thấy một niềm tin vững chắc rằng với những chính sách mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành, cùng với những giải pháp hỗ trợ cụ thể của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp như VINASME, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sẽ nhanh chóng tham gia vào nền kinh tế số và đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng KT-XH của đất nước.

Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng có những đánh giá rất cao về chủ đề ngày hôm nay, vì các chuyên gia đã lường trước được mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là rủi ro về an toàn thông tin cho các doanh nghiệp. Với những chia sẻ của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, ông tin tưởng rằng những khách mời ngày hôm nay sẽ có một góc nhìn tổng thể hơn về vấn đề an toàn thông tin tại Việt Nam cũng như những mong muốn chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, TS.Nguyễn Văn Thân cũng gửi lời chúc mừng Lễ kỷ niệm 20 năm của trường Đại học RMIT tại Việt Nam. Ông nhận định: "Trong 20 năm qua, Đại học RMIT đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam, đã đào tạo ra các sinh viên ưu tú, tầm cỡ quốc tế, góp phần giúp Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế trên trường quốc tế. Tôi xin chúc nhà trường sẽ ngày càng phát triển và tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người tại đất nước".

Bảo Trinh