- Nghĩa vụ CBTT của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đại chúng hiện nay được quy định như thế nào, thưa ông?
Về khía cạnh pháp lý, những quy định pháp luật liên quan đến CBTT tại Việt Nam là theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí hơn cả chuẩn mực quốc tế.
Theo chuẩn mực quốc tế, các doanh nghiệp chỉ CBTT hàng quý, hàng năm có kiểm toán. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp niêm yết CBTT hàng quý, 6 tháng soát xét và hàng năm có kiểm toán. Hiện tại hệ thống quản lý doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện theo thông lệ quốc tế. Riêng ở Việt Nam thì quản lý theo quy định của pháp luật, cụ thể Nghị định 71/CP, sắp tới vấn đề này sẽ đưa vào trong Luật chứng khoán (sửa đổi).
- Việc xử phạt vi phạm CBTT trong năm 2018 đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Số liệu thống kê của UBCK cho thấy trong năm 2018, có 397 trường hợp vi phạm của 129 tổ chức và 268 cá nhân, trong đó xử phạt 9 cá nhân có hành vi thao túng, tạo cung cầu giả; buộc cải chính thông tin đối với 3 trường hợp báo cáo không chính xác hoặc công bố thông tin sai lệch; buộc từ bỏ quyền biểu quyết đối với 1 trường hợp vi phạm chào mua công khai. Năm 2018, UBCK ban hành gần 400 quyết định xử phạt, trong đó hơn 50% vi phạm CBTT.
Năm 2019, TTCK Việt Nam đứng trước cơ hội lớn được nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi. Đây là thời cơ đón nhận hàng tỷ USD đầu tư từ các quỹ lớn trên thế giới, đồng thời là điểm chín muồi để TTCK tự cải thiện mình về chất và lượng, nâng cao tính minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Để giữ chân dòng tiền ở lại, đòi hỏi thị trường ngày càng minh bạch hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng, năm qua hơn 50% trường hợp doanh nghiệp và cá nhân vi phạm nhưng chế tài xử lý của UBCK rất nhẹ? Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là mức xử phạt doanh nghiệp nhìn từ bên ngoài còn nhẹ, chỉ từ mấy chục đến mấy trăm triệu đồng. Tại sao lại có câu chuyện như thế? Tại vì nó tùy theo mức độ vi phạm, phạt nặng hay nhẹ phải hiểu theo quy định của pháp luật. Theo luật hiện hành thì có một khung xử phạt và UBCK chỉ được xử phạt mức tối đa theo khung đó. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã vi phạm và vẫn tái phạm thì sẽ áp dụng mức phạt theo khung khác nặng hơn.
Hiện nay UBCKNN đang đưa vấn đề này vào Dự luật chứng khoán (sửa đổi). Đối với tổ chức là doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng thì tới đây sẽ bổ sung hình thức là không được phát hành cổ phiếu trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu doanh nghiệp vẫn vi phạm, sẽ vĩnh viễn không được niêm yết cổ phiếu trên TTCK.
Đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ do chúng tôi cấp phép hoạt động thì mức phạt có thể là tạm dừng hoạt động. Hiện giờ có những doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, chẳng hạn như phát hành ra công chúng một năm phải niêm yết, sau một năm doanh nghiệp không thực hiện nhưng làm lại nộp hồ sơ xin phát hành tiếp. Trường hợp đó bắt buộc phải niêm yết xong thì UBCK mới cho thực hiện phát hành.
Đối với cá nhân thuộc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thì UBCK sẽ bổ sung hình phạt đối với lãnh đạo và cá nhân hành nghề. Trong đó đối với lãnh đạo, nếu vi phạm nghiêm trọng, có hình phạt như không đủ điều kiện tham gia lãnh đạo, cấm tham gia HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát. Đối với cá nhân hành nghề thì có thể sẽ treo hoặc tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề. Hình thức xử phạt sẽ tăng lên tương đối mạnh trong Luật chứng khoán sửa đổi
- Tình hình CBTT của các doanh nghiệp trên TTCK đã được cải thiện đáng kể so với trước đây, song để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, các bên tham gia thị trường cần phải làm gì, thưa ông?
Hiện tại cơ quan quản lý đang xây dựng luật, nhưng doanh nghiệp phàn nàn là quy định chặt như thế này thì sao chúng tôi hoạt động được, nhưng lại có người kêu là làm thế này thì làm sao minh bạch được.
Còn nhớ 10 năm trước cũng là thời điểm thị trường UPCoM ra đời, và là người tham gia tư vấn, tôi cho rằng nếu không có sàn UPCoM, thì nhà đầu tư không được tiếp cận với báo cáo tài chính. Mặc dù báo cáo tài chính đó có thể có chất lượng chưa tốt nhưng có còn hơn không.
Sau đó TTCK đi thêm được một bước nữa, là các doanh nghiệp nằm trên UPCoM vẫn phải CBTT như doanh nghiệp niêm yết. Tôi quan niệm chúng ta sẽ phải đi từ từ, phải để doanh nghiệp nhận thức được minh bạch và quản trị tốt hơn thì khả năng chống chọi với khủng hoảng sẽ tốt hơn.
- Hiện nay trên thị trường có 150 công ty tham gia kiểm toán cho các doanh nghiệp niêm yết nhưng UBCK Nhà nước chỉ lựa chọn khoảng 30 công ty. Vì sao lại như vậy thưa ông?
Như tôi đã nói, nếu đưa ra một giải pháp thì đó là giải pháp hình quả mít- giải pháp chúng ta phải đi cùng nhau. Và UBCK muốn nâng cao vai trò của kiểm toán. Theo tôi, các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN30 cần phải được các Công ty Big4 kiểm toán. Hiện 27/30 doanh nghiệp niêm yết trên VN30 đã do Big4 kiểm toán. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đưa vào quy định bản cáo bạch phải có ý kiến của kiểm toán.
Sở dĩ chúng tôi chỉ chọn 30/150 công ty được tham gia kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trên sàn chứng khoán là do đây là những công ty đã đáp ứng được các yêu cầu tham gia kiểm toán các doanh nghiệp trên sàn niêm yết theo quy định hiện hành.
Xin cảm ơn ông
Hà Phương