Mới đây, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã gặp mặt Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và Đoàn doanh nhân tiêu biểu của Hội. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn, các doanh nhân tư nhân tiếp tục chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN theo hướng quản trị hiện đại, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện khát vọng phát triển.
Đại diện cho những doanh nhân tư nhân Việt Nam tiêu biểu trong buổi gặp mặt Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, doanh nhân Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa có bài tham luận với chủ đề “Giải pháp để Doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận các nguồn vốn an toàn, hiệu quả".
Bài tham luận nêu rõ: Với quyết tâm, "lấy tâm làm trọng, lấy kết quả để khẳng định mình", cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ nhân lực, thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Kể từ khi đất nước ta triển khai Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, đã tạo sự chuyển biến tích cực từ môi trường đầu tư kinh doanh, đến số lượng và chất lượng doanh nghiệp không ngừng tăng lên. Nền kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, cộng đồng DN cả nước đã gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách. Sau đại dịch COVID-19, các DN lại đối diện với lạm phát tăng cao; nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, giá cả tăng vọt; dòng vốn cho SXKD bị ngưng trệ; chính sách tín dụng của ngân hàng nhiều khâu thắt chặt, lãi suất tăng đột biến... đã khiến cho “sức khỏe” của doanh nghiệp ngày càng “ốm yếu” trầm trọng.
Đây chính là thời điểm mà các doanh nghiệp không chỉ tự nỗ lực vượt khó, mà còn rất cần sự đồng hành, hỗ trợ bằng những giải pháp đột phá của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, vấn đề tiếp cận nguồn vốn để doanh nghiệp phục hồi SXKD đang trở nên rất cấp thiết.
Thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đa số các tổ chức tín dụng đều đã xây dựng những gói sản phẩm ưu đãi... Tuy nhiên, doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận vì các quy định về thủ tục, hồ sơ vay vốn rườm rà, thiếu nhất quán; quá trình thẩm định kéo dài, ràng buộc nhiều điều kiện quá khắt khe khiến đa số doanh nghiệp đều không đáp ứng được. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính thấp; tài sản đảm bảo có giá trị thấp nên ngân hàng hầu như không áp dụng chính sách tín chấp. Bên cạnh đó nhiều ngân hàng có tâm lý e ngại khi thẩm định và phê duyệt các gói vay của một bộ phận doanh nghiệp, bởi cho rằng phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi.
Vì vậy, để DN có thể vượt qua giai đoạn rất khó khăn này, phục hồi và phát triển, ông Cao Tiến Đoan đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát các văn bản quy định liên quan đến chính sách về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để phát hiện những vướng mắc, bất cập. Từ đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ kịp thời.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay; đồng thời kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các gói chính sách hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, công tác thẩm định tài sản thế chấp còn chậm trễ, kéo dài thời gian giải ngân, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể về mốc thời gian thẩm định tài sản, thời gian giải ngân để doanh nghiệp chủ động được kế hoạch kinh doanh, tránh đánh mất đi nhiều cơ hội.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước: Thu hẹp biên độ lợi nhuận, giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro, để từ đó giảm lãi vay cho DN; đồng thời có chính sách cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ cho các doanh, nhất là nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá tình hình kinh tế, thực trạng hoạt động của các ngân hàng thương mại để xem xét nới room tín dụng phù hợp đối với từng ngân hàng thương mại để đáp ứng được nhu cầu vốn ngày càng cao của nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm “Lấy tâm làm trọng, lấy kết quả để khẳng định mình”, doanh nhân Cao Tiến Đoan, doanh nhân tư nhân Việt Nam tiêu biểu mong rằng, các giải pháp về vốn cho doanh nghiệp sẽ sớm được triển khai để quyết tâm “Xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu hơn nữa, nhiều tỷ phú USD hơn nữa” như lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Minh Hiền