Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực bán dẫn trong nước. Đây là một lĩnh vực được xác định có vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh kinh tế.
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, Nhật Bản đã nới lỏng các quy định về xây dựng nhà máy, cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét nới lỏng quy định về cấp phép xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và pin lưu trữ. Theo quy định mới, Chính phủ Nhật Bản sẽ trao quyền cấp phép xây dựng các nhà máy cho chính quyền các địa phương, đồng thời rút ngắn thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng từ 1 năm xuống còn 4 tháng, quy định được đưa ra nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đảm bảo các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực bán dẫn có đủ đất để xây dựng nhà máy theo yêu cầu.
Bên cạnh nới lỏng quy định về cấp đất, Nhật Bản cũng đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển bán dẫn.
Chính phủ Nhật Bản mới đây vừa đồng ý trợ cấp lên tới 192 tỷ Yên (1,3 tỷ USD) cho nhà máy ở Hiroshima của Micron Technology, trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất chip ở trong nước.
Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết, khoản trợ cấp sẽ giúp công ty bán dẫn Mỹ lắp đặt những thiết bị in thạch bản cực tím (EUV) của ASML để sản xuất các loại chip tiên tiến nhất. Những vi xử lý như vậy đang rất cần thiết cung cấp năng lượng cho AI, trung tâm dữ liệu hay công nghệ xe tự hành.
“Thị trường hiện nay đang khó khăn, nhưng chúng tôi nhận thấy cần thiết phải đầu tư vào những thời điểm như thế này”, Nishimura nói trong buổi họp báo, đề cập đến sự sụt giảm toàn ngành đè nặng lên doanh thu của Micron. “Điều này nhằm đảm bảo nguồn cung cấp chip tiên tiến phục vụ mục đích an ninh kinh tế của Nhật Bản trong tương lai”.
Bloomberg nhận định, động thái của Tokyo đánh dấu “một chiến thắng” cho Micron khi hãng chip Mỹ vật lộn với tình trạng bất ổn ở Trung Quốc, cũng là một trong những thị trường lớn nhất của công ty.
Trong khi đó, Nishimura cho biết, Nhật Bản phân bổ tối đa 167 tỷ Yên hỗ trợ chi phí sản xuất của Micron và 25 tỷ Yên làm kinh phí phát triển. Công ty bán dẫn trụ sở Boise, Idaho nói rằng họ lên kế hoạch chi khoảng 500 tỷ yen để sản xuất trên quy trình “1-gamma” tại quốc gia Đông Á này.
Trước Công ty Micron của Mỹ, Chính phủ Nhật Bản cũng đã trợ cấp cho nhà máy bán dẫn do hai doanh nghiệp nước ngoài đầu tư là nhà máy của Tập đoàn TSMC tại tỉnh Kumamoto và nhà máy của Kioxia Holdings tại tỉnh Mie.
Trong hai năm 2021 và 2022, Chính phủ Nhật Bản đã dành hơn 1.000 tỷ yen (gần 7 tỷ USD) phát triển các nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Động thái này giúp Nhật Bản “giữ chân” các công ty trong nước và quốc tế, vốn có thể lựa chọn những điểm đến hấp dẫn hơn để sản xuất chất bán dẫn. Tháng 5/2023, giám đốc điều hành cấp cao của 7 công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn lớn của nước ngoài đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, để trao đổi quan điểm về việc mở rộng đầu tư vào Nhật Bản. Bước đi này được kỳ vọng là sẽ bảo đảm cho mục tiêu trở thành cơ sở sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của cường quốc châu Á.
Chất bán dẫn được xác định là “vật liệu quan trọng đặc biệt” giúp tăng cường khả năng của ngành công nghiệp Nhật Bản trong việc sản xuất chất bán dẫn truyền thống và các thiết bị, vật liệu sản xuất cần thiết. Với ưu tiên đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hiện đang dành khoản ngân sách trị giá 2000 tỷ yen (13,8 tỷ USD) để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Ngoài hỗ trợ tài chính, Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản (JIC) - một quỹ trực thuộc chính phủ, do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản giám sát đã thực hiện một bước đi quan trọng, bằng việc bỏ ra 900 tỷ yen (6,4 tỷ USD) để mua lại nhà máy sản xuất vật liệu chip JSR. JSR hiện nắm giữ khoảng 30% thị phần toàn cầu về chất cản quang cần thiết cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn. Thương vụ mua bán và sáp nhập quy mô lớn cho phép JSR và JIC tái cơ cấu ngành vật liệu chất bán dẫn, tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty vật liệu bán dẫn Nhật Bản.
Mặc dù Tokyo đã có rất nhiều nỗ lực, nhưng cần phải lưu ý rằng chỉ với duy nhất chính sách công nghiệp sẽ không đủ để giúp phục hồi ngành công nghiệp chất bán dẫn của Nhật Bản. Chính phủ nước này cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các chính sách công nghiệp khác nhau đều góp phần vào sự thành công của ngành bán dẫn. Công việc này đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các công ty chất bán dẫn và các công ty liên quan khác, xem xét thành công và thất bại của các nỗ lực chính sách công nghiệp cũng như nhanh chóng sửa đổi chính sách nếu cần.
Minh Tú (t/h)