Ngân hàng Nhà nước siết quy định thông tin tài khoản trong giao dịch thanh toán Khi ngân hàng bắt tay với startup: Từ “tài sản đảm bảo” đến niềm tin vào nhà sáng lập |
Thông tư số 14/2025/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành quy định rõ về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là một động thái chiến lược nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các cú sốc tiềm ẩn, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng giữ lại lợi nhuận để củng cố nội lực.
![]() |
Chia cổ tức tiền mặt ngân hàng phải đáp ứng chuẩn vốn mới. |
Đối với ngân hàng thương mại không có công ty con hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quy định hiện hành yêu cầu duy trì tối thiểu 4,5% vốn lõi cấp 1, 6% vốn cấp 1 và 8% tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Trong khi đó, các ngân hàng thương mại có công ty con cũng phải đáp ứng các mức tỷ lệ tương tự, được áp dụng đồng thời cho cả báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất, nhằm đảm bảo năng lực vốn và khả năng chịu rủi ro ở cả cấp độ toàn hệ thống.
Điểm đáng lưu ý trong cách tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, đối với công ty con là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng không hợp nhất công ty này theo chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính. Tuy nhiên, vẫn phải tính đầy đủ các yếu tố như tài sản có rủi ro tín dụng (RWA), vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động (KOR) và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường (KMR). Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ áp dụng phương pháp tiêu chuẩn để tính RWA của công ty con.
NHNN đã xây dựng các công thức tính tỷ lệ an toàn vốn một cách chi tiết và chặt chẽ, phản ánh sự tính toán kỹ lưỡng nhằm kiểm soát rủi ro toàn diện trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, ba chỉ số trọng yếu gồm: Tỷ lệ vốn lõi cấp 1, Tỷ lệ vốn cấp 1 và Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đều được tính dựa trên cùng một công thức mẫu với mẫu số gồm tổng tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) cộng thêm hệ số 12,5 nhân với tổng vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động (KOR) và rủi ro thị trường (KMR).
Cụ thể:
Tỷ lệ vốn lõi cấp 1 = Vốn lõi cấp 1 / [RWA + 12,5 × (KOR + KMR)]
Tỷ lệ vốn cấp 1 = Vốn cấp 1 / [RWA + 12,5 × (KOR + KMR)]
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) = Vốn tự có / [RWA + 12,5 × (KOR + KMR)]
Việc đưa thêm yếu tố KOR và KMR vào công thức không chỉ đánh giá rủi ro tín dụng mà còn tính đến rủi ro vận hành và rủi ro thị trường – hai thành phần ngày càng quan trọng trong hoạt động ngân hàng hiện đại.
Ngoài các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, Thông tư 14 còn giới thiệu và áp dụng tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (Capital Conservation Buffer - CCB) theo lộ trình rõ ràng trong 4 năm. Bắt đầu từ 0,625% trong năm đầu tiên và đạt mức 2,5% từ năm thứ tư trở đi. Điều này có nghĩa là, từ năm thứ tư, một ngân hàng muốn chia cổ tức bằng tiền mặt phải đảm bảo tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 7%, tỷ lệ vốn cấp 1 là 8,5% và CAR là 10,5%.
Không chỉ vậy, Thống đốc NHNN còn có quyền quyết định áp dụng tỷ lệ bộ đệm vốn phản chu kỳ (Countercyclical Capital Buffer - CCyB) trong khoảng từ 0% - 2,5%, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và chu kỳ tín dụng. Đây là một công cụ linh hoạt, cho phép NHNN điều chỉnh yêu cầu vốn theo tình hình vĩ mô, thắt chặt khi tín dụng tăng trưởng nóng và nới lỏng khi cần kích thích kinh tế.