Hành trình đưa Acecook trở thành 'ông trùm' mì gói ở Việt Nam
Năm 1992, lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, ông Kajiwara Junichi - Tổng Giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam đã cảm thấy yêu ngay đất nước này và "xung phong" sang Việt Nam làm việc và sinh sống tại đây. Ông từng chia sẻ rằng: "Việt Nam đã cho tôi rất nhiều thứ: hạnh phúc, sự nghiệp, thêm con, có cháu, được niềm tin của nhiều người tiêu dùng".
Trong tất cả cái "có được" ấy sau nhiều năm gắn bó với Việt Nam, ông Kajiwara cho rằng: "Hạnh phúc lớn nhất là cả gia đình tôi đều rất yêu đất nước này, thích cuộc sống ở đây và đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai. Đặc biệt, tôi có con dâu Việt Nam và hai đứa cháu nội rất đáng yêu".
“So với thời điểm năm 1992 khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến TP.HCM, Việt Nam bây giờ thực sự như một thế giới khác, phát triển với tốc độ nhanh chóng”, vị lãnh đạo gần nửa thế kỷ gắn bó với tập đoàn Acecook hồi tưởng giữa buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam.
Vào thời điểm đó, thị trường thực phẩm Việt Nam còn rất đơn điệu, nhất là thị trường mì ăn liền. Vì thế, ông đã mong muốn làm được một điều gì đó có ích cho đất nước mà ông nghĩ mình có tình cảm đặc biệt này. "Tôi nghĩ, nếu đem được các loại mì ăn liền của Nhật Bản đến Việt Nam thì người dân ở đây sẽ được hưởng lợi từ những sản phẩm chất lượng và có thêm nhiều lựa chọn", ông Kajiwara Junichi chia sẻ với Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
Nghĩ đơn giản vậy nhưng để đi đến quyết định đầu tư và có được kết quả như hôm nay, ông cũng đã phải cân nhắc kỹ. Sau nhiều năm, dù có nhiều khó khăn không nhớ hết, nhưng Acecook Việt Nam đã cho ông nhiều trải nghiệm, thử thách và cũng mang lại nhiều thành công trên bước đường sự nghiệp. Giờ đây, có lẽ ông chắc hẳn vô cùng tự hào về những gì làm được và hạnh phúc vì mong muốn đã thành hiện thực.
"Sau nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam, Acecook có rất nhiều bằng khen, đó là tự hào của cả tập thể nhưng niềm vui đó không bằng niềm vui mỗi khi vào siêu thị, ra chợ, tôi được nghe nhiều người nói "mì Acecook ngon". Nếu cho ngược dòng thời gian để làm lại, tôi cũng vẫn nghĩ thế và làm thế. Bởi đó là một quyết định đúng", ông Kajiwara Junichi chia sẻ.
Ở tuổi 70, ông Kajiwara Junichi có những nét đặc trưng của người Nhật Bản với vóc người tầm thước, khuôn mặt tròn, mắt một mí, chiếc mũi “sư tử”, mái tóc thưa đã bạc trắng. Những năm qua ông thiết lập vị thế mới cho công ty này tại thị trường Việt Nam bằng cách mở rộng các nhà máy mới tại Bắc Ninh và TP.HCM, nghiên cứu và sản xuất ra nhiều sản phẩm mới trong đó có việc xuất khẩu sản phẩm ngược về Nhật Bản, quê hương của mì gói.
Triết lí Kaizen làm nên câu chuyện thành công khi kinh doanh mì ăn liền
Theo thống kê của Instantnoodles.org, vào năm 2019, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tiêu thụ mì gói. Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã vượt qua hai quốc gia lớn là Ấn Độ và Nhật Bản, đứng thứ 3 thế giới. Với việc tiêu thụ 8,56 tỉ gói mì trong năm 2021, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc và Indonesia. Nhưng nếu như sản lượng tiêu thụ của mì gói tại Indonesia gần như đi ngang giai đoạn 2017–2021, sản lượng tiêu thụ tại Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2021 thì hai năm qua xu hướng sử dụng mì gói tại Việt Nam tăng phi mã lần lượt 29% và 21%. “Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhiều người đã rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, chính trong thời điểm đó giá trị của mì ăn liền đã được nhận thức lại,” ông Kajiwara Junichi lý giải.
Theo Vietdata, các nhà sản xuất mì gói lớn nhất tại Việt Nam hiện nay theo thứ tự là Acecook Việt Nam, Masan Consumer (thương hiệu mì Omachi, Kokomi) và Asia Foods (mì Gấu Đỏ), Uniben (Mì Ba Miền) và Vifon… trong đó ba công ty đầu tiên thị phần nắm giữ khoảng 70%. Bất chấp các cảnh báo mì gói ít chất dinh dưỡng và chứa nhiều chất không có lợi cho sức khỏe nhưng sản phẩm này tràn ngập trong các căn bếp của nhiều gia đình châu Á nhờ tính tiện lợi: dễ chế biến và phân phối, bảo quản ở điều kiện bình thường vẫn giữ chất lượng ổn định, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nói về yếu tố để có thể thành công khi kinh doanh mì ăn liền tại Việt Nam, ông Kajiwara Junichi đã nhấn mạnh triết lí Kaizen. Ở Nhật Bản, triết lý mang tên Kaizen đã được áp dụng rộng rãi và đóng góp lớn vào sự phát triển của từng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Nhật Bản.
Triết lý của Kaizen tập trung cải tiến và quản trị chất lượng sản phẩm, song mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng và người hưởng lợi cuối cùng chính là khách hàng. Do đó, bất cứ hoạt động nào không nâng cao giá trị của sản phẩm và sự thỏa mãn của khách hàng thì đều bị loại bỏ.
Với ngành kinh doanh mì ăn liền cũng vậy, muốn thành công phải tập trung vào cải tiến, quản trị chất lượng sản phẩm để thỏa mãn và hài lòng khách hàng. "Để làm được điều này thì điều kiện cơ bản quan trọng nhất và yêu cầu tối thiểu nhất là tính an toàn và an tâm. Ở Acecook, chúng tôi thực hiện ý tưởng và hương vị cho sản phẩm để nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng, bên cạnh đó là hài hòa giữa giá trị và giá bán của sản phẩm. Để nói về yếu tố quyết định sự thành công khi kinh doanh mì ăn liền, tôi có thể tóm gọn trong các từ khóa gồm: an toàn – an tâm, chất lượng – cải tiến; giá trị – lợi ích và giá cả. Nếu không đảm bảo đủ theo thứ tự này hoặc như xem nhẹ các từ khóa đầu để giảm giá sản phẩm sẽ dẫn đến thất bại", ông Kajiwara Junichi nhấn mạnh khi phỏng vấn trên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.
Nỗ lực chinh phục khẩu vị người Việt
Có thể nói, từ giấc mơ đến việc hiện thực hóa là cả một hành trình tìm ra hướng đi và hoạch định chiến lược. Nhất là khi muốn thâm nhập vào một thị trường mới, Acecook phải vượt qua vô vàn khó khăn, điều này đòi hỏi họ phải kết hợp được giữa thế mạnh của doanh nghiệp với thế mạnh của nhân sự bản địa.
Khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, ông Kajiwara Junichi đã xác định yếu tố quyết định thành công của một sản phẩm thực phẩm là khẩu vị. Muốn sản phẩm được thị trường đón nhận thì hương vị phải phù hợp với khẩu vị người địa phương. Vì vậy, Acecook không áp đặt công thức, hương vị của Nhật để sản xuất mì gói tại Việt Nam mà "trao nhiệm vụ” này cho bộ phận chuyên môn người Việt quyết định, nhưng kỹ thuật sản xuất là của Nhật.
Chính sự kết hợp này đã tạo ra các sản phẩm mang chất lượng Nhật Bản nhưng khẩu vị Việt Nam. Do Acecook ứng dụng công nghệ và sử dụng nguyên liệu của Nhật Bản nên giá thành cao, trong khi giá mì gói chung trên thị trường Việt Nam lúc đó chỉ tầm 600 - 700 đồng/gói thì mì của Acecook lúc ra mắt có giá 1.800 - 2.000 đồng, nên đầu ra chậm và không thể bán với số lượng lớn.
Do đó, việc cân bằng giá cho phù hợp thị trường là bài toán khó giải. Đáp số mà Acecook đưa ra là phải tìm cách tiết giảm chi phí chứ không giảm chất lượng. Ông Kajiwara Junichi đã tìm đến các nhà cung cấp nguyên liệu tại Nhật Bản, nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, mặt khác Acecook cũng hỗ trợ một phần trong việc nâng cấp một số thiết bị, máy móc, hệ thống nhà máy theo chuẩn của Acecook.
Sau 5 năm thực hiện và chuyển đổi, đến năm 2000, công ty cũng đã có được những nhà cung cấp nguyên liệu trong nước tốt, đáp ứng nhu cầu và bắt đầu cân bằng về giá với thị trường.
Thời điểm Acecook vừa cân bằng được giá và đưa ra mì Hảo Hảo tôm chua cay cũng đúng lúc truyền hình ở Việt Nam đã phổ biến nên họ đã quảng cáo mạnh, được nhiều người xem, sản phẩm từ đó bán rất chạy.
Năm 2017, Acecook cán mốc tiêu thụ 20 tỉ gói mì. Chỉ mất 4 năm tiếp theo, công ty cán mốc 30 tỉ gói mì vào cuối năm 2021. Hảo Hảo luôn là sản phẩm mũi nhọn đóng góp khoảng 60% doanh thu cho công ty, phần còn lại thuộc về các thương hiệu khác như Miến Phú Hương, Phở Đệ Nhất, Bún Hằng Nga… Nhận định Hảo Hảo là thương hiệu mì quốc dân có lý khi năm 2020, Acecook đưa ra thị trường lọ muối chấm Hảo Hảo vị tôm chua cay đã được đón nhận nồng nhiệt.
Dù đây là sản phẩm “bình mới rượu cũ”, là gia vị bên trong các gói mì Hảo Hảo được đóng lọ bán riêng nhưng người tiêu dùng hồ hởi đón nhận và bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội: “Cuối cùng ngày này cũng đến,” “Mỗi lần ăn mì tích cóp từng túi (gia vị) nhỏ, từ nay không cần làm thế nữa,” “Ngày mà gói mì tự tin lên tiếng không bị vứt xó chỉ vì gói muối,” “Lại khổ lòng bàn tay trái với ngón trỏ tay phải rồi, đổ ra chấm chấm mút mút”…
Những điều này dường như đã khẳng định tên tuổi của Acecook trên thị trường Việt Nam. Có nhiều công ty đã luôn "nhìn theo" Acecook để nghiên cứu sản phẩm, cải tiến, nâng cao chất lượng. Điều này đã tạo ra bộ mặt mới cho thị trường mì ăn liền Việt Nam.
Bảo Linh (t/h)