"Cát tặc" đục khoét sông Mã

00:00 12/10/2020

Suốt một đoạn dài, hàng chục km bám dọc theo dòng sông Mã, đoạn từ các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Sơ chạy lên Thị trấn Sông Mã, đến xã Nà Nghịu, tình trạng khai thác cát vàng trái phép không có dấu hiệu “thuyên giảm”. Ai phải chịu trách nhiệm trước việc này?.
Rầm rộ cả ngày lẫn đêm Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thoan, một người dân sinh sống ở xã Chiềng Khương tố cáo: “Đúng là có khoảng 1 tháng thì có làm nghiêm. Cấm rát được 1 thời gian, xong rồi đâu lại vào đấy. Cứ đêm làm họ hút, chả phải đổ đâu xa, cứ bãi ven đường mà tập kết. Đêm hút, ngày nghỉ, xe chở cát kéo đến thì bán. Máy xúc cứ thế mà xúc. Ai hỏi thì bảo cát tồn từ dạo trước để lại. Dân đặt câu hỏi cát tồn đâu mà lắm thế?”. Còn ông Vũ Văn Cơ, sinh sống ở xã Chiềng Sơ chia sẻ: “Ở đây toàn đầu nậu quê từ Hưng Yên, Hải Dương và một số ngoài TP Sơn La vào làm chủ bãi thôi. Thuê dân bản địa đi làm tàu thuê, thằng thì chạy máy nổ, thằng chèo thuyền ra bãi, thằng lái máy xúc. Ban ngày đám “cát tặc” này không hoạt động gì cả. Nhưng cứ tầm 4 giờ chiều trở đi, đây như 1 đại công trường. Họ ngang nhiên “ăn cắp”, có ai làm gì được đâu”.
Phóng viên đã đi dọc tuyến sông Mã, chạy dọc theo tuyến đường quốc lộ 4G để “mục sở thị” các điểm mà người dân chỉ đích danh là “trộm cắp”, nhận thấy những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở, bởi hầu hết những điểm khai thác cát đều rất lớn, nằm ngay ven đường QL 4G. Suốt một đoạn đường dài đến cả 20 km như vậy, những bãi cát khổng lồ của các “ông trùm” đua nhau mọc lên như thách thức dư luận. Đoàn xe chở cát cũng công khai như chốn không người... Bước vào bãi cát của một chủ, có tên Nguyệt Đại, xã Chiềng Cang. Chị Nguyệt, một chủ bãi cát, đang kìn kìn hút ở dưới sông Mã lên cho biết, đúng là bãi, máy hút của nhà cả. Nhưng nhà lại chỉ làm thuê cho một ông chủ làm dưới.... huyện mà gia đình không biết tên(?!).  Phóng viên tiếp tục tìm đến bãi cát của Doanh nghiệp Sơn Lâm – Sông Mã. Không khó khăn gì khi nhìn thấy hoạt động khai thác cát một cách ngang nhiên ở đây. Hàng trăm khối cát đánh đống ở đây, vòi hút vẫn còn hoạt động. Một người được coi là quản lý bãi thấy phóng viên quay máy, liền xua tay bỏ chạy...
Ai phải chịu trách nhiệm? Ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khai thác khoáng sản. Chỉ thị đã nêu rõ: Công an các địa phương phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với cát, sỏi, vàng sa khoáng, than; buôn lậu, gian lận thương mại, xuất khẩu khoáng sản trái phép. Còn đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần: Khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật khoáng sản; hoàn thành dứt điểm việc khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trong năm 2015; Không quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đăng ký khối lượng cát thu hồi trong diện tích các dự án nạo vét, khơi thông luồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản; Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương; Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; chủ động xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh; kiểm tra, giám sát Ủy ban nhân dân cấp dưới trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản không thực hiện theo cam kết và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết xử lý hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép, nhất là khu vực biên giới; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, khơi thông luồng thuộc thẩm quyền; kiên quyết đình chỉ các đơn vị lợi dụng việc nạo vét để khai thác cát, không thực hiện đúng chuẩn tắc thiết kế, thời gian nạo vét. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép... Nếu cứ căn cứ theo Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ thì trách nhiệm đến đâu, cần xử lý đến đó là đúng pháp luật. Ai sai, kỷ luật người đó, chứ không thể để nhờn kỷ cương, phép nước. (TN&MT)