Phó Thủ tướng yêu cầu xây dựng cảng biển xanh, sân bay hiện đại tại Quảng Trị TP. Huế định hướng Cảng Chân Mây trở thành trung tâm logistics chiến lược tại miền Trung |
Cục Hàng hải và Đường thủy (Bộ Xây dựng) mới đây đã trình Bộ Xây dựng bản quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng giai đoạn 2021–2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này đặt ra yêu cầu đầu tư hơn 78.000 tỷ đồng để đồng bộ hóa hạ tầng cảng biển, nhằm đáp ứng sự gia tăng sản lượng hàng hóa và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tàu trọng tải lớn.
Năm 2024, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng dự kiến đạt 106,5 triệu tấn, trong đó hàng container chiếm đến 7,2 triệu TEU. Trong giai đoạn 2020–2024, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân đạt 5,8% mỗi năm, trong đó hàng container tăng trưởng mạnh nhất với 7,2% mỗi năm, còn hàng lỏng/khí tăng đến 8,9%. Mặc dù số lượt tàu qua cảng có giảm nhẹ (0,9%), nhưng dung tích tàu lại tăng gần 5%, điều này cho thấy xu hướng các tàu lớn ngày càng chiếm ưu thế. Hiện nay, các bến 5 và 6 tại khu Lạch Huyện đã có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lên đến 160.000 tấn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng các tuyến vận tải quốc tế.
Là cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng hiện nay đã thiết lập được 14 tuyến vận tải quốc tế, trong đó có 6 tuyến xuyên Thái Bình Dương trực tiếp đến châu Mỹ, một tuyến đi châu Úc, hai tuyến đến Ấn Độ và nhiều tuyến nội Á khác.
![]() |
Cần hơn 78.000 tỷ đồng để nâng tầm cảng biển Hải Phòng. (Ảnh: Internet) |
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với cảng Hải Phòng chính là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch và việc triển khai đầu tư thực tế. Các dự án phát triển cảng mới chậm trễ do vướng mắc trong quy hoạch khu công nghiệp sau cảng. Bên cạnh đó, việc di dời các cảng trên sông Cấm, như Hoàng Diệu, vẫn chưa được thực hiện đúng kế hoạch, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát triển cảng. Giao thông kết nối cảng chủ yếu phụ thuộc vào vận tải đường bộ, gây ùn tắc nghiêm trọng tại một số khu vực như Chùa Vẽ, Đình Vũ và quốc lộ 5. Hệ thống vận tải đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn yếu, đặc biệt đường thủy bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, gây bồi lắng và khan hiếm nước.
Ngoài ra, luồng hàng hải vào cảng hiện vẫn là luồng một chiều, khiến nhiều tàu phải chờ đợi trong thời gian dài, làm giảm hiệu suất bốc xếp và ảnh hưởng đến hoạt động của cảng.
Dù gặp không ít thách thức, Hải Phòng vẫn có những bước tiến rõ rệt trong việc cải thiện thiết bị và công nghệ khai thác. Các cảng lớn như Chùa Vẽ, Tân Vũ, Vip Green Port và Nam Đình Vũ đã được đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị bốc xếp hiện đại, giúp nâng cao năng suất và giảm thời gian làm hàng.
Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, hệ thống cảng biển Hải Phòng sẽ phát triển từ 61 đến 73 bến cảng, với tổng số cầu cảng dao động trong khoảng từ 98 đến 111 đơn vị. Tổng chiều dài các bến dự kiến đạt từ 20.152 mét đến 23.402 mét, nhằm đáp ứng khối lượng hàng hóa thông qua lên tới 175,4 đến 215,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó hàng container chiếm từ 12,15 đến 14,92 triệu TEU.
Không chỉ dừng lại ở vận tải hàng hóa, cảng Hải Phòng cũng được định hướng phục vụ từ 20.400 đến 22.800 lượt khách mỗi năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng hàng hóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ từ 5 đến 5,3% mỗi năm, trong khi lượng hành khách tăng từ 1,5 đến 1,6% mỗi năm.
Các khu vực trọng điểm được đưa vào quy hoạch phát triển bao gồm Lạch Huyện, Đình Vũ, sông Cấm – Phà Rừng, Nam Đồ Sơn, Văn Úc và huyện đảo Bạch Long Vĩ. Ngoài ra, quy hoạch còn tích hợp các khu vực bến phao, điểm neo đậu trung chuyển, khu tránh trú bão và các hạ tầng phụ trợ quan trọng khác.
Để hiện thực hóa quy hoạch phát triển cảng biển Hải Phòng đến năm 2030, tổng vốn đầu tư cần huy động lên tới 78.028 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 11.950 tỷ đồng sẽ dành cho việc xây dựng hạ tầng hàng hải công cộng, còn lại 66.078 tỷ đồng được phân bổ cho các bến cảng phục vụ hoạt động kinh doanh và dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.
Quy hoạch cũng cho thấy nhu cầu sử dụng quỹ đất rất lớn, với khoảng 1.638 hecta đất và 116.536 hecta mặt nước. Con số này chưa bao gồm diện tích dành cho các khu công nghiệp, trung tâm logistics và các hạng mục phụ trợ khác gắn liền với hệ sinh thái cảng biển.
Việc đầu tư không chỉ dừng lại ở mở rộng quy mô bốc xếp, mà còn mang tầm chiến lược dài hạn, giúp Hải Phòng định vị mình là trung tâm logistics quốc tế. Đây sẽ là cửa ngõ hàng hải trọng yếu của miền Bắc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng và tăng cường kết nối với mạng lưới thương mại toàn cầu.