Cà phê được xem là thức uống giúp chúng ta tỉnh táo, nhưng uống một lượng quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng say cà phê. Sau thời gian thành công vang dội, có lẽ Starbucks cũng đang gặp vấn đề tương tự, khi doanh số của thương hiệu đồ uống này liên tục sụt giảm, còn nhân viên thường xuyên bị báo cáo là thiếu niềm nở với khách hàng. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Starbucks chắc hẳn đã lâm vào tình cảnh “cơn say cà phê” và họ cần một "cuộc cách mạng" về quy trình vận hành để khôi phục lại vị thế của mình.
Được biết, thời gian qua, vào giờ cao điểm, các quán Starbucks tại Mỹ luôn rơi vào tình trạng đông nghẹt người xếp hàng, trong khi tốc độ phục vụ của nhân viên quá chậm. Qua khảo sát cho thấy, nhân viên tại đây đang mất đi sự hào hứng khi làm việc, dù trước đó Starbucks luôn được đánh giá là một trong những nơi làm việc tốt nhất nước Mỹ. Doanh số và lợi nhuận liên tục giảm, cộng thêm sự cạnh tranh từ các thương hiệu trà sữa trân châu gia tăng, khiến hơn 33.000 cửa hàng của Starbucks đối mặt với thời kỳ khó khăn.
Tuy nhiên, vào tháng 7 vừa qua, Starbucks đã tổ chức một cuộc cải tổ lớn mang tên “Hệ thống thủ công Siren”, nhằm đưa thương hiệu nhanh chóng thoát khỏi khó khăn. Hệ thống này cải tiến quy trình tại khoảng 10.000 cửa hàng, giúp tăng tốc độ đặt hàng và nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Thay vì tăng tốc dây chuyền hay ép buộc nhân viên, Siren tập trung sửa chữa sai sót của các công ty sản xuất lớn, mang đến một cách tiếp cận mới mẻ trong kinh doanh.
Được biết, hệ thống thủ công Siren của Starbucks mang đến nhiều cải tiến quan trọng như: Trình tự pha chế mới; Thay đổi cách làm cà phê; Cải tiến bảng điều khiển kỹ thuật số; Điều phối linh hoạt. Những thay đổi này giúp Starbucks cải thiện quy trình vận hành và tăng sự hài lòng của khách hàng.
Phương pháp cải tiến quy trình phục vụ thủ công của Starbucks không phải là dây chuyền giúp nhân viên tăng gấp đôi hiệu suất, hay buộc khách hàng phải sử dụng những ứng dụng công nghệ cao. Thay vào đó, Starbucks đã chọn cách cải thiện trải nghiệm khách hàng, giúp thực khách tránh việc xếp hàng lâu trong không gian ồn ào, nhốn nháo. Từ đó cải thiện cảm tình của khách hàng với thương hiệu, dẫn tới kết quả cuối cùng là lấy lại vị thế cũng như cải thiện doanh số cho thương hiệu.
H.C (t/h)