Tối 24/11, tại thành phố Pleiku, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lễ khai mạc Sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019 (TechDemo 2019). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự, chỉ đạo buổi lễ.
Sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo) là hoạt động mang tầm vóc quốc gia về khoa học công nghệ. Đây là hoạt động thường xuyên, liên tục, thể hiện bức tranh toàn cảnh về hoạt động đổi mới công nghệ tại Việt Nam nhằm ứng dụng những công nghệ mới vào phục vụ đời sống.
Khai mạc Sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019.
Trong 3 ngày, từ ngày 24 đến hết ngày 26/11, sự kiện sẽ diễn ra 10 hoạt động tập trung vào các nội dung như: trình diễn, giới thiệu công nghệ và sản phẩm làng nghề vùng Tây Nguyên; tư vấn cho doanh nghiệp; xúc tiến chuyển giao công nghệ và đầu tư; ký kết hợp tác đầu tư khoa học công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, sự kiện được tổ chức lần này là một trong những nỗ lực có định hướng của Bộ KH&CN trong việc triển khai các chủ trương của Đảng, nghị quyết Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Phó Thủ tướng lưu ý, nhìn thẳng vào thực tiễn và khó khăn, vướng mắc thì thấy rằng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện.
Việc tiếp cận với công nghiệp thông minh ở nước ta còn thiếu tính kết nối và chưa có sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều, nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Phó Thủ tướng cũng nhận định, doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, cần phải có sự đổi mới sáng tạo để tạo đột phá.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy ứng dụng kết hợp với sự phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội”.
Công Bắc