Điều này được cho là nhờ hàng loạt các khoản trợ giá của Chính phủ và sự xuất hiện của hàng loạt các mẫu xe mới trên thị trường.
Tỷ lệ của châu Âu trong thị trường xe ô tô chạy điện toàn cầu tăng gần gấp đôi lên 43% vào năm ngoái, trong khi đó Trung Quốc và Mỹ mất thị phần.
Nhưng sự gia tăng này của châu Âu chủ yếu dựa vào các biện pháp khuyến khích của chính phủ được thực hiện trong thời gian đại dịch và các nhà phân tích cảnh báo động lực có thể bị đảo ngược nếu và khi sự hỗ trợ đó bị rút lại. Hầu hết các khoản trợ cấp dành cho xe điện của chính phủ đều có giới hạn về phạm vi và sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Arndt Ellinghorst, nhà phân tích ô tô tại Bernstein Research cho biết: “Thị trường này cực kỳ nhạy cảm với các đợt trợ giá của chính phủ và doanh nghiệp. Một khi các khoản trợ cấp bị loại bỏ, doanh số bán xe điện sẽ giảm 30 - 40% ít nhất trong một hoặc hai quý”.
Nếu không được trợ giá, xe điện đắt hơn nhiều so với xe chạy nhiên liệu đốt. Điều này không thể thay đổi cho đến cuối thập kỷ này, giới phân tích cho biết. Vì khi đó, giá pin mới hạ nhờ công nghệ mới, quy mô sản xuất lớn hơn và cạnh tranh tăng lên.
Cách tiếp cận của phía giới chức châu Âu với việc giảm khí thải thông qua khuyến khích sử dụng xe điện được đánh giá khá chặt chẽ. Liên minh châu Âu (EU) đã không ngừng siết chặt các yêu cầu về khí thải, ngành này vì vậy buộc phải đưa ra thêm nhiều mẫu xe điện, xe lai hoặc nếu không sẽ bị phạt rất nặng.
Khi xảy ra đại dịch Covid-19, chính phủ các nước cố gắng làm giảm cú sốc kinh tế bằng cách hướng các chương trình hỗ trợ đến những ngành có liên quan trực tiếp đến vấn đề biến đổi khí hậu. Một phần quan trọng của chương trình hỗ trợ được dành cho người tiêu dùng mua xe ô tô điện, chính vì vậy nhu cầu tăng cao.
CEO hãng Volvo Cars, ông Hakan Samuelsson, nói: "Chúng tôi cần động lực để sản xuất các loại ô tô. Nó giúp cho thị trường ô tô điện trở nên rất hấp dẫn với người tiêu dùng. Tuy nhiên trong dài hạn, các chương trình hỗ trợ và giãn thuế không thể nào được duy trì ổn định".
Các hãng xe bắt đầu tung ra các mẫu xe điện mới vào năm ngoái. Hãng xe lớn nhất châu Âu Volkswagen AG đã công bố mẫu xe ID.3 và ID.4. Nhiều hãng xe cao cấp như BMW AG, Mercedes và Audi tung ra nhiều mẫu xe chạy điện công nghệ cao. Trong năm nay, Mercedes cũng dự kiến sẽ công bố mẫu xe EQS, loại xe chạy điện có hệ thống tự động công nghệ cao.
Khoảng 65 mẫu xe điện mới đã được ra mắt tại châu Âu năm ngoái - gấp đôi Trung Quốc. Khoảng 99 chiếc khác sẽ trình làng năm nay. Tại Bắc Mỹ, các con số này là 15 và 64. Các hãng xe cho biết sự bùng nổ về xe điện và các chính sách hỗ trợ diễn ra cùng lúc, khiến cả cung và cầu đều tăng mạnh.
Doanh số bán xe điện plug-in tại châu Âu tăng 137% lên 1,4 triệu chiếc năm ngoái, vượt Trung Quốc (tăng 12% lên 1,3 triệu) và Mỹ (tăng 4% lên 328.000 chiếc), theo số liệu của ev-volumes.com.
Tình hình hiện tại của thị trường châu Âu gợi nhớ đến Trung Quốc cách đây vài năm. Nhằm vượt các nước phương Tây, Trung Quốc mạnh tay trợ giá cho xe điện và yêu cầu các hãng đảm bảo sản xuất một tỷ lệ xe mới nhất định mỗi năm.
Nỗ lực này đã giúp hàng trăm startup mọc lên, nâng thị phần xe điện trong doanh số xe mới giữa năm 2019 lên hơn 8%. Tháng 6/2019, Bắc Kinh rút lại hỗ trợ, doanh số bắt đầu lao dốc. Thị phần xe điện giảm về dưới 5% cuối năm đó. Khi đại dịch bùng phát, doanh số bán xe điện còn giảm mạnh nữa, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh đạt mục tiêu xe điện chiếm 20% doanh số bán xe mới năm 2025.
Tại châu Âu, các chính phủ đang cân nhắc lại kế hoạch rút dần chính sách hỗ trợ hiện tại dành cho xe điện từ cuối năm nay.
Minh Tú