Theo Cục Hàng không Việt Nam, tình trạng chậm, hủy chuyến xảy ra thời gian gần đây là do các hãng hàng không bố trí lịch khai thác máy bay chưa phù hợp; chưa có phương án bố trí máy bay thay thế trong trường hợp thời tiết xấu hoặc máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam xây dựng ngay kế hoạch khai thác đội máy bay hợp lý để kịp thời bố trí máy bay thực hiện chuyến bay thay thế.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa phục hồi rất nhanh, vượt so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch Covid-19), tạo áp lực rất lớn lên khu vực nhà ga nội địa trong khi cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nguồn nhân lực phục vụ còn thiếu.
Thống kê 7 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 177.744 chuyến bay, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ chỉ đạt 86,4%, giảm 8,4 điểm % so với năm 2021.
Nguyên nhân chính gây chậm, hủy chuyến là do điều kiện hạ tầng tại các cảng hàng không đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là Tân Sơn Nhất và Nội Bài; mưa dông bất thường tại một số địa phương và nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không, khi không có đủ nhân lực, đặc biệt là đội ngũ phi công, tiếp viên, nhân viên phục vụ mặt đất…sau COVID-19.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch chưa tốt của các đơn vị liên quan để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, khiến tình trạng chuyến bay bị chậm, hủy tăng trong tháng 7/2022.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu hãng hàng không bố trí các chuyến bay đêm nhằm giảm áp lực đối với cảng hàng không; đảm bảo máy bay, trang thiết bị, vật tư dự phòng để kịp thời bảo dưỡng, sửa chữa.
Trước đó, ngày 1/7, Bộ GTVT đã có công văn gửi các đơn vị liên quan về giải pháp xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu, Cục Hàng không thực hiện công tác điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm. Tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng để đưa ra giải pháp xử lý; công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực và thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, chất lượng phục vụ hành khách trong dịp hè năm 2022.
Khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022 tại các sân bay; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm…
Các doanh nghiệp khai thác sân bay có nhiệm vụ rà soát, xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các sân bay, đáp ứng được nhu cầu khi hành khách tăng.
Tổ chức phân luồng giao thông tiếp cận nhà ga một cách khoa học, hợp lý để tránh tình trạng ùn ứ; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại sân bay, có phương án giải tỏa khi xảy ra ùn tắc…
Các hãng hàng không Việt Nam thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định pháp luật; tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm. Thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan; thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến nghĩa vụ của hãng khi chậm, hủy chuyến.
P.V