Các doanh nghiệp ngành gỗ đang có xu hướng chuyển dịch xuất khẩu sang thị trường châu Á

10:40 17/12/2022

Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ trong khi hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đang đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang có xu hướng chuyển dịch sang các thị trường châu Á, có vị trí địa lý gần hơn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Gỗ và sản phẩm gỗ đã sớm lọt danh sách các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Trong 10 tháng đầu năm 2022, mặt hàng này đứng trong nhóm 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, lớn hơn mức cả năm từ năm 2020 trở về trước. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 11 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,17 tỉ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,7 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 10,15 tỉ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Về thị trường, trong tháng 11 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 571.000 USD, giảm mạnh 22%, khiến trị giá trị xuất khẩu chung của ngành gỗ giảm đáng kể do trị giá xuất khẩu thị trường này chiếm 49% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh, Úc, Canada, Malaysia cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, đáng chú ý trị giá xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Đức đã tăng cao, bù đắp một phần mức giảm của các thị trường xuất khẩu chính.

Tính chung trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 8 tỉ USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 54,3% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ trong khi hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đang đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU…, với chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất gia tăng, thì khả năng tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này kém khả quan, mặc dù cuối năm theo chu kỳ là thời gian xuất khẩu tăng trưởng mạnh để đáp ứng nhu cầu thị trường nhà ở hoàn thiện, trang trí nội thất gia đình đón chào năm mới.

Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đang có xu hướng chuyển dịch sang các thị trường châu Á, có vị trí địa lý gần hơn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 2 tỉ USD, Nhật Bản đạt hơn 1,7 tỉ USD, Hàn Quốc đạt hơn 924.000 USD, tăng tương ứng 45,6%, 33%, 16% so với cùng kỳ năm 2021...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết. Cụ thể, về xuất khẩu, cần mở rộng hơn nữa thị trường châu Âu và đặc biệt châu Á.

 Ngoài ra cần gia tăng diện tích trồng rừng; hạn chế tình trạng thiệt hại rừng để vừa có nguyên liệu ở trong nước, hạn chế nhập khẩu (dễ gặp rủi ro về giá cả, thị trường, về xuất xứ, liên quan đến môi trường,…), lại góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, giải quyết việc làm…

Tăng quy mô, tăng kết nối giữa các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu với lô hàng có khối lượng lớn, phải giao trong kỳ hạn ngắn của nhiều khách hàng ở một số thị trường…

D.A (Tổng hợp)