McDonald’s là một trong những chuỗi nhà hàng lớn hoạt động theo mô hình nhượng quyền. Mô hình này một mặt giúp công ty mở rộng nhanh chóng quy mô và tệp khách hàng, nhưng cũng mang lại sức ép luôn phải làm hài lòng các đối tác mua quyền để “giữ mối”. Hiện nay, 93% trong số hơn 39.000 cửa hàng của McDonald’s là nhượng quyền - cho thấy số lượng đối tác như vậy là rất lớn.
Mới đây, McDonald's đã quyết định loại bỏ thỏa thuận kéo dài hàng thập kỷ để trợ cấp chi phí đồ chơi bán kèm theo phần ăn Happy Meal cho các đối tác nhượng quyền của mình, một động thái có thể khiến Happy Meal trở nên đắt đỏ hơn trong tương lai.
Ban lãnh đạo McDonald's Hoa Kỳ đã thông báo cho các chủ sở hữu nhượng quyền thương mại rằng tập đoàn sẽ không còn gửi 300 đô la mỗi tháng cho 14.000 địa điểm tại Mỹ để hỗ trợ chi phí đồ chơi bán kèm phần ăn Happy Meal. Một số đơn vị nhượng quyền cho biết họ buộc phải tăng giá phần ăn này để bù đắp cho phần chi phí tăng thêm.
Bài toán doanh thu vốn đã rất “đau đầu” trong bối cảnh đại dịch, nhất là với các cửa hàng nhượng quyền khi họ đã phải trả những khoản phí bản quyền rất lớn để hoạt động kinh doanh. Cụ thể hơn, đây là một phần những gì họ phải trả bao gồm phí ban đầu 45.000 USD, phí bản quyền 4%, trích doanh thu hàng tháng cho cơ sở vật chất và trang thiết bị nhà bếp.
Về phần mình, McDonald’s muốn đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, và họ muốn các đối tác “chung thuyền” với mình. Đây là xu hướng chung của các công ty khi phải “căng mình” chống dịch. Công ty cho rằng những hệ thống thông minh mới sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng, và do vậy tính phí cao hơn cho các bên nhận nhượng quyền.
Nhìn tổng quan, đại dịch đang làm căng thẳng mối quan hệ của các liên doanh dựa trên nhượng quyền, không chỉ có McDonald’s. Các chuỗi nhà hàng đều cho rằng, công nghệ sẽ là một cứu cánh cho nhà hàng để vượt đại dịch. Bởi vậy, các chủ nhượng quyền đều muốn tăng đầu tư nâng cấp công nghệ. Chuỗi Starbucks cũng vừa tuyên bố một khoản đầu tư lớn vào công nghệ đặt hàng từ xa, lấy cà phê không dừng.
Một bên muốn tăng chi phí để đầu tư cải thiện hệ thống, còn bên kia, các đối tác mua quyền, phản đối vì đã phải chi trả rất nhiều tiền mà doanh thu chưa có dấu hiệu hồi phục. Và sự căng thẳng này có lẽ sẽ còn tiếp tục kéo dài. Mô hình nhượng quyền đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng.
Bảo Bảo