Các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc vẫn sẽ giữ nguyên trạng thái như cũ trước khi tiến hành tăng vốn đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời chờ cho đến khi có bức tranh rõ ràng hơn về những cải cách mới có thể diễn ra.
Maximilian Butek, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc, cho biết: “Trước hội nghị toàn thể lần thứ ba, các công ty Đức đã hy vọng sẽ có thêm hướng dẫn và làm rõ các vấn đề liên quan đến những biện pháp kích thích kinh tế và cải cách”.
“Thay vào đó, có vẻ như chúng ta phải chuẩn bị cho một chính sách tiếp tục chứa đựng đầy sự thận trọng”.
Hội nghị Trung ương lần thứ ba - đây là cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản lần thứ XX, đã tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với nền kinh tế Trung Quốc về mặt lịch sử, với những tuyên bố mang tính ý thức hệ sâu rộng được đưa ra nhằm hoạch định lộ trình chính sách trong 5 năm tới hoặc hơn.
Một thông cáo được đưa ra sau khi kết thúc phiên họp toàn thể đã đề cập đến những điểm chung, sẽ được trình bày chi tiết hơn trong các văn bản sau này. Tuy nhiên, Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết, thông cáo không cung cấp đủ chi tiết để xác định liệu sắp tới có những thay đổi ý nghĩa hay không.
Phòng cho biết: “Điều tích cực là lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa thừa nhận những trở ngại mà nền kinh tế đang phải đối mặt và báo hiệu ý định cải cách sâu sắc hơn để tạo ra một môi trường thị trường công bằng hơn, năng động hơn”.
Bắc Kinh đã khẳng định triển vọng kinh tế phù hợp với các động thái gần đây nhằm cố gắng đạt được sự cân bằng giữa ổn định và tăng trưởng. Trong khi thông cáo nêu rõ sự cần thiết phải có một “môi trường thị trường công bằng và năng động hơn”, thì cũng nhấn mạnh vào việc “ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro”, “bảo vệ an ninh quốc gia” và “tăng cường sự lãnh đạo chung của Đảng”.
Những tín hiệu tích cực hơn cho các công ty nước ngoài xuất hiện trong các đoạn liên quan đến việc mở cửa, điều mà thông cáo coi là “đặc điểm nổi bật” của quá trình hiện đại hóa Trung Quốc. “Chúng tôi sẽ đều đặn mở rộng mở cửa thể chế, tăng cường cải cách cơ cấu ngoại thương [và] cải cách hơn nữa hệ thống quản lý đầu tư trong và ngoài nước”, thông cáo cho biết.
Mặc dù các văn bản pháp lý trong tương lai có thể làm sáng tỏ hơn những chi tiết cụ thể liên quan đến việc thực hiện các nguyên tắc này nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn thận trọng trong những dự báo của mình.
Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc cho biết: “Các công ty Anh hiện cần xem xét các biện pháp cụ thể trong những tuần và tháng tới để tuân thủ các cam kết rộng rãi của hội nghị toàn thể”.
“Chúng tôi nhận thấy cam kết của Hội nghị tTrung ương là tích cực giải quyết các vấn đề trong nước, ưu tiên các thách thức trong lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương, đồng thời để cơ chế thị trường đóng vai trò to lớn”.
James Zimmerman, một đối tác tại Công ty luật quốc tế Perkins Coie ở Bắc Kinh, cho biết, thông cáo chứa đầy ngôn ngữ chính trị và thiếu chi tiết cụ thể - phù hợp với mong đợi của ông.
Zimmerman, cũng là cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cho biết: “Hy vọng rằng các chi tiết sẽ được phản ánh trong các báo cáo tiếp theo”.
“Điều đó nói lên rằng, doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời và nếu không có sự rõ ràng hơn, các kế hoạch đầu tư có thể vẫn bị trì hoãn”.
Eric Zheng, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải, cho biết, có một số phần trong thông cáo mà các nhà đầu tư Mỹ nên quan tâm.
“Điều đáng yên tâm là hội nghị đã thừa nhận sự cần thiết phải tạo ra một môi trường thị trường công bằng, hỗ trợ sự phát triển của khu vực ngoài quốc doanh và cho phép tất cả các khu vực được tiếp cận bình đẳng với các yếu tố sản xuất, cạnh tranh thị trường và bảo vệ pháp lý”, ông Zheng nói.
Bắc Kinh khẳng định những vấn đề như vậy đang được khắc phục. Đầu tháng này, một số hạn chế đối với sự tham gia của người nước ngoài vào lĩnh vực dịch vụ đã được dỡ bỏ tại sáu thành phố được chỉ định, mở rộng khả năng tiếp cận du lịch, giải trí, y tế phi lợi nhuận và chăm sóc người già, viễn thông và khảo sát xã hội.
Tuy nhiên, sự bức xúc của nhiều công ty nước ngoài về dài hạn có thể sẽ còn tồn tại. Đứng đầu là các khiếu nại về tiếp cận thị trường, rào cản đối với mua sắm của Chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển dữ liệu xuyên biên giới, phạm vi thực thi pháp luật cũng như mức độ ban hành luật mới liên quan đến an ninh quốc gia. Điều này đã được phản ánh trong các số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Trung Quốc, với dữ liệu chính thức từ Bộ Thương mại cho thấy, vốn FDI của nước này đã giảm 28,2% trong 5 tháng đầu năm 2024 xuống còn 412,5 tỷ nhân dân tệ (57,94 tỷ đô-la Mỹ). Bộ đã ngừng công bố số liệu FDI tính bằng đô-la Mỹ vào năm ngoái.
Trong khi đó, ông Hàn Văn Tú, Phó Giám đốc Văn phòng tổng hợp của Ủy ban Kinh tế và Tài chính Trung ương, cho biết rằng, Trung Quốc sẽ cố gắng ổn định thương mại và đầu tư nước ngoài tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu vừa qua. Ông Hàn cho biết, dòng vốn sẽ đảo chiều để tăng trưởng và hội nghị toàn thể đã đưa ra “những quyết định quan trọng” về chủ đề này. “Trung Quốc sẽ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ thương mại và quyền sở hữu, trợ cấp công nghiệp, mua sắm và tài chính, đồng thời thiết lập cơ chế truyền dữ liệu xuyên biên giới hiệu quả”, ông tiết lộ.
“Hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất sẽ giảm xuống bằng không trong khi chúng tôi sẽ mở rộng danh mục các ngành công nghiệp mở cho người nước ngoài, bao gồm cả dịch vụ.”
Ông Hàn cũng cho biết, Bắc Kinh sẽ cải thiện hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho các doanh nhân và khách du lịch đến thăm Trung Quốc, đặc biệt là về chỗ ở, chăm sóc y tế và nền tảng thanh toán.
Hạ Vũ