Nhận thấy tiềm năng của nghề trồng nấm rơm, Hội Nông dân xã Khánh Hưng đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thành lập Chi hội nghề nghiệp Trồng nấm rơm tại ấp Nhà Máy B. Chi hội ra đời với mục đích hỗ trợ nông dân trong việc phát triển nghề trồng nấm, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Mỗi hộ tham gia chi hội được vay 30 triệu đồng, với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 300 triệu đồng, từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân của huyện.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Hưng cho biết: "Chi hội Trồng nấm rơm sẽ giúp thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thêm thu nhập cho nông dân. Đồng thời, chi hội còn tạo cơ hội hợp tác giữa các hộ, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm."
![]() |
Nấm rơm sau khi ủ khoảng 10 ngày sẽ cho thu hoạch. (Ảnh CMO) |
Với sự hỗ trợ từ chi hội, nghề trồng nấm rơm tại ấp Nhà Máy B đã có bước phát triển mới. Trước đây, khi lúa thu hoạch bằng phương pháp thủ công, nguồn rơm thu được rất hạn chế. Nhưng từ khi áp dụng máy gặt đập liên hợp, nguồn rơm thu hoạch được dồi dào, giúp sản lượng nấm tăng lên đáng kể. Với máy thu cuộn rơm mới, các hộ trong chi hội hỗ trợ nhau thu gom và ủ rơm, giúp đảm bảo chất lượng nguyên liệu và tăng hiệu quả sản xuất.
Hiện tại, nông dân trong Chi hội Trồng nấm rơm ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng đang chờ đón vụ mùa đầu tiên của chi hội. Với tiềm năng vùng đất ngọt, mô hình trồng nấm rơm được kì vọng sẽ đem lại lợi ích kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người dân và góp phần phát triển nghề nông truyền thống trong khu vực.