Trong thời gian gần đây, ngành nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) không ngừng mở rộng cả về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, việc thâm canh hóa quá mức đã dẫn đến sự gia tăng lượng chất thải, làm suy thoái chất lượng nước và gây lây lan dịch bệnh do thiếu các biện pháp an toàn sinh học.
Nhằm khắc phục và nâng cao năng suất nuôi tôm, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức buổi tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh theo công nghệ tuần hoàn, ít thay nước và đảm bảo an toàn sinh học.
Buổi tập huấn do Tiến sĩ Nguyễn Nhứt, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II, hướng dẫn. |
Trong chương trình tập huấn kéo dài 1 ngày, các hộ dân được hướng dẫn chi tiết về các khía cạnh quan trọng như: đảm bảo an toàn sinh học trong ao nuôi, quản lý sức khỏe tôm, cải tạo ao nuôi, lựa chọn giống tôm chất lượng, và đặc biệt là phương pháp xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ba giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn không xả thải.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh này, còn được gọi là "mô hình nuôi tôm không xả thải", hiện đang được thử nghiệm lần đầu tại tỉnh Cà Mau. Công nghệ tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản được áp dụng giúp kiểm soát nguồn gốc chất thải hiệu quả, từ việc sử dụng máy cho ăn, máy lọc chất thải rắn, đến hệ thống lọc sinh học để khử khí và diệt trừ mầm bệnh.
Hệ thống rong có vai trò "kép" - lọc hệ thống và sản xuất một mặt hàng mới, giúp kiểm soát hệ vi sinh vật, nồng độ vi khuẩn, nồng độ nấm trong hệ thống. Đây là quy trình cần có trong mô hình nuôi tôm không xả thải. |
Đây cũng là một phần của dự án "3R cho nuôi trồng thủy sản thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long", do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II phối hợp với tổ chức CIRAD và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam triển khai. Từ tháng 5/2023, dự án đã được thử nghiệm tại các xã Rau Dừa, Hưng Mỹ thuộc huyện Cái Nước và đang từng bước nhân rộng ra các huyện khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.