Năm 2023, KCN VSIP Cần Thơ được đầu tư hơn 3.717 tỷ đồng chính thức khởi công xây dựng theo mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững.
Vươn lên từ khó khăn
Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ (BQL) được thành lập theo Quyết định số 749-TTg, ngày 15/11/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi được thành lập, BQL có trụ sở cơ quan đặt tại số 105 Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Thời gian đầu, tuy khó khăn về nhân sự, kinh nghiệm và nguồn lực kinh tế, nhưng BQL vẫn đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động kêu gọi đầu tư vào KCN Cần Thơ. Cũng từ đây, bộ máy nhân sự của BQL dần được kiện toàn; cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phương tiện làm việc, từng bước được hoàn thiện để phục vụ cho hoạt động của BQL.
Với những ưu thế sẵn có về cảng, sân bay, KCN Cần Thơ có vị trí gần trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của TP. Cần Thơ và là đầu mối giao thông thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Năm 2008 - 2009, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng KCN Cần Thơ lại lập kỷ lục về thu hút nguồn vốn đầu tư. Cụ thể, năm 2008, tổng vốn đăng ký đầu tư vào KCN là 689 triệu USD và năm 2009 trên 268 triệu USD. Thời điểm này, các loại giấy phép hoặc văn bản xử lý công việc cho các nhà đầu tư được xem xét giải quyết sớm hơn quy định từ 1- 3 ngày, đặc biệt có loại giấy phép chỉ cấp trong vòng 1 ngày. Cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại BQL ngày càng hoàn thiện, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức của BQL được nâng lên đáng kể. Từ đó, góp phần tăng cường môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, phát huy vai trò quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” được quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
Năm 2010, cầu Cần Thơ khánh thành, sân bay quốc tế Cần Thơ đi vào hoạt động, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương thông xe cùng với nhiều công trình trọng điểm khác được khẩn trương triển khai đã làm cho môi trường đầu tư tại Cần Thơ được cải thiện đáng kể. Công tác xúc tiến đầu tư vào thành phố được tăng cường qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư cả trong và nước ngoài.
Đặc biệt, năm 2022, thành phố Cần Thơ đã thu hút được Nhà đầu tư hàng đầu về phát triển KCN tại Việt Nam, VSIP Group đầu tư Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (đã khởi động dự án ngày 9.9.2023) và được định hướng xây dựng theo mô hình KCN xanh, thông minh và bền vững.
20 năm với những chính sách ưu đãi dành cho Khu công nghiệp
Các khu KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ đều được quy hoạch dựa trên cơ sở phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Theo Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã thành lập được 06 KCN, trong đó có 05 KCN đã đi vào hoạt động và 01 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng là KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (KCN Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ), các KCN đóng trên các địa bàn quận (huyện) khác nhau với tổng diện tích khoảng 987,57ha. Cụ thể, KCN Trà Nóc 1 (diện tích 135ha) và KCN Trà Nóc 2 (diện tích 155ha) tại quận Bình Thủy, KCN Thốt Nốt (diện tích 74,87ha) tại quận Thốt Nốt, KCN Hưng Phú 1 - bao gồm cụm A và cụm B (diện tích 262ha) và KCN Hưng Phú 2 (diện tích 67ha) tại quận Cái Răng.
Theo báo cáo kết quả hoạt động của BQL các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến tháng 11/2023, các KCN Cần Thơ thu hút 02 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 4,25 triệu USD, tổng vốn đầu tư thu hút 84,05 triệu USD đạt 105% so với kế hoạch đề ra.
Tính đến tháng 11/2023, các KCN Cần Thơ có 257 dự án còn hiệu lực, cho thuê 342,82 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,910 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,161 tỷ USD chiếm 61% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó có: 227 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,289 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện là 769,13 triệu USD chiếm 60% vốn đăng ký; 29 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 611,98 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là 382,38 triệu USD chiếm 62% vốn đăng ký; và 01 dự án ODA đang hoạt động, vốn đầu tư 9,49 triệu USD, vốn thực hiện 9,49 triệu USD chiếm 100% vốn đăng ký. Các DN FDI trong KCN đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Bahamas, Samoa, Seychelles, Marshall Islands, Hàn Quốc, Trung Quốc và 05 liên doanh giữa Việt Nam với các nước.
Thời gian qua, lãnh đạo Trung ương, các Bộ ngành, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn quan tâm hỗ trợ, tích cực đồng hành để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các KCN TP. Cần Thơ, xây dựng những chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, phát triển nguồn cung cấp nhân lực, lao động dồi dào và các dịch vụ cho KCN, góp phần thực hiện thành công những mục tiêu Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Hoàng Nhi – Bích Liên