Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google chi hơn 10 tỷ USD mỗi năm để duy trì vị thế

11:28 13/09/2023

Tại phiên tòa hôm 12/9, các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Google trả hơn 10 tỷ USD hàng năm cho các thỏa thuận để đảm bảo đây là công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại di động và máy tính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 12-9 (giờ Mỹ), Google đã hầu tòa tại tòa án liên bang ở Washington, D.C. trong một vụ án mà phía chính phủ Mỹ cáo buộc tập đoàn này đã vi phạm luật chống độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Theo hãng tin AP, phiên tòa được cho là sẽ mở ra cuộc chiến pháp lý chống độc quyền lớn nhất nước Mỹ kể từ khi chính phủ liên bang nhắm vào Công ty phần mềm Microsoft hồi những năm 1990 của thế kỷ trước.

Phiên tòa dự kiến kéo dài gần 10 tuần và xem xét kỹ lưỡng không chỉ cách thức Google tiến hành kinh doanh mà còn cả mối quan hệ của nó với các công ty lớn khác, chẳng hạn như Apple và Samsung, vốn phần lớn được giữ bí mật.

Tại phiên tòa, các công tố viên Mỹ đã cáo buộc Google trả hơn 10 tỷ USD hàng năm cho các thỏa thuận để đảm bảo đây là công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại di động và máy tính.

“Vụ việc này liên quan đến tương lai của internet và liệu công cụ tìm kiếm của Google có phải đối mặt với sự cạnh tranh có ý nghĩa hay không”, công tố viên Kenneth Dintzer của Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) nói trong vụ kiện cáo buộc Google thống trị tìm kiếm trên internet thông qua các thỏa thuận phi cạnh tranh.

Kenneth Dintzer cho biết Google đã trở thành công ty độc quyền ít nhất vào năm 2010 và hiện kiểm soát hơn 89% thị trường tìm kiếm trực tuyến. Ông nói: “Công ty phải trả hàng tỉ USD cho những tùy chọn mặc định vì chúng có sức mạnh đặc biệt. Trong 12 năm qua, Google đã lạm dụng sự độc quyền của mình trong lĩnh vực tìm kiếm nói chung”.

Phiên tòa xét xử độc quyền là vụ đầu tiên chính phủ liên bang chống lại một hãng công nghệ Mỹ trong hơn hai thập kỷ. Bộ Tư pháp và 52 tổng chưởng lý từ các bang cùng vùng lãnh thổ Mỹ cáo buộc Google duy trì sự độc quyền của mình một cách bất hợp pháp bằng cách trả hàng tỷ USD cho các đối thủ công nghệ, hãng sản xuất smartphone và nhà cung cấp dịch vụ không dây để đổi lấy việc được đặt làm tùy chọn mặc định trên điện thoại di động và trình duyệt web.

Kenneth Dintzer cho biết Google đã "vũ khí hóa" việc sử dụng các thỏa thuận mặc định để ngăn cản các đối thủ và thực thi sức mạnh thị trường của mình bằng cách ngăn chặn Apple theo đuổi các lựa chọn tốt hơn Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt, máy tính, điện thoại và các thiết bị khác của họ.

Kenneth Dintzer nói Apple lần đầu tiên cấp phép cho Google trở thành công cụ tìm kiếm trong trình duyệt Safari của mình vào năm 2002 và không cần tiền cũng như không độc quyền. Ông cho biết, ba năm sau, Google tiếp cận Apple để đề xuất thỏa thuận chia sẻ doanh thu.

Theo Kenneth Dintzer, vào năm 2007, Apple muốn cung cấp một màn hình cho phép người dùng chọn giữa Google và Yahoo. Thế nhưng, Google đã trả lời qua email: “Không có vị trí mặc định, không chia sẻ doanh thu”, Kenneth Dintzer nói.

“Đây là một cách mà một người độc quyền thể hiện sức mạnh”, ông cho hay và nói thêm rằng Apple không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ Google.

Theo Kenneth Dintze, đến năm 2020, Google đã phải trả từ 4 tỷ đến 7 tỷ USD cho Apple để công cụ tìm kiếm của mình trở thành mặc định trên Safari.

Trang Forbes cho rằng Google trả cho Apple gần 15 tỷ USD vào năm 2021 để giữ vị trí công cụ tìm kiếm mặc định. Sang năm 2022, con số lên đến 18 - 20 tỷ USD.

Luật sư của chính phủ Mỹ cho biết Google trả hơn 1 tỷ USD cho các nhà mạng không dây để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên smartphone Android theo các thỏa thuận nhằm bảo vệ Google khỏi các đối thủ.

Trong tuyên bố mở màn phiên tòa, luật sư của Google, John Schmidtlein, đã lập luận về “áp lực cạnh tranh” mà công ty phải đối mặt trong lĩnh vực tìm kiếm “chưa bao giờ đa dạng hoặc quan trọng hơn thế”.

Ông nói thêm rằng cáo buộc trên nhằm "mục đích bóp méo sự cạnh tranh trong tìm kiếm" và chỉ trích rằng thật sai lầm khi "buộc mọi người sử dụng sản phẩm kém chất lượng trong thời gian ngắn là góp phần mang lại sự cạnh tranh về lâu dài”.

Google lập luận rằng họ cung cấp một sản phẩm tốt mà công chúng lựa chọn sử dụng. Họ cũng cho biết các thỏa thuận được đề cập chủ yếu do các đối tác của họ như Apple hoặc Samsung đặt ra.

Thẩm phán Amit Mehta, người đang xét xử vụ án, hôm 12/9 đã yêu cầu luật sư Schmidtlein phản hồi về cáo buộc của DoJ rằng sự kết hợp của Google và các thỏa thuận mặc định của nó đã dập tắt sự cạnh tranh, khiến nó trở thành lựa chọn khả thi duy nhất.

Schmidtlein trả lời: “Tòa án này không thể can thiệp vào thị trường và không thể nói rằng 'Này Google, bạn có sản phẩm tốt nhất, chất lượng tốt nhất… nhưng tôi rất tiếc vì bạn không thể trở thành mặc định'. Đó mới là một sự vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ”.

Hồi tháng trước, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google - ông Kent Walker cho biết chiến thuật của công ty là “hoàn toàn hợp pháp” và thành công của Google “phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm”.

“Luật pháp của Mỹ nên đề cao lợi ích cho người tiêu dùng. Nếu chúng ta loại bỏ điều đó và gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ tuyệt vời cho người tiêu dùng, điều đó sẽ có hại cho tất cả mọi người” - ông này nói thêm.

Tại phiên tòa sắp tới, cả hai bên (gồm chính phủ Mỹ và đại diện phía Google) sẽ tranh luận về việc liệu các thỏa thuận trị giá hàng tỉ USD của công ty có phản cạnh tranh hay không. Điều này có thể gây ra hậu quả đáng kể cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google.

“Phiên tòa xét xử Google sẽ có tác động to lớn đối với nền công nghiệp kỹ thuật số của Mỹ, khi mà kết quả của phiên tòa này sẽ quyết định cách hàng triệu người Mỹ truy cập và sử dụng Internet” - tờ The Guardian dẫn lời bà Katherine Van Dyck, cố vấn cấp cao của dự án Tự do kinh tế Mỹ.

Ở một khía cạnh khác, bà Rebecca Allensworth - GS trường luật thuộc ĐH Vanderbilt (Mỹ) cho rằng phiên tòa xét xử Google sẽ cho thấy liệu luật chống độc quyền được viết vào năm 1890 có còn hiệu quả trong nền kinh tế ngày nay hay không. Bà nhấn mạnh phiên tòa xét xử Google là “một phép thử lớn đối với toàn bộ chương trình nghị sự chống độc quyền của chính quyền Washington”.

Luật sư chính của Google là ông John Schmidtlein. Năm 2002, ông Schmidtlein từng đại diện cho các bang kiện Microsoft vì Microsoft đã lợi dụng sự thống trị trong phần mềm Windows để chặn các trình phát media của đối thủ.

Luật sư hàng đầu của Bộ Tư pháp trong phòng xử án là ông Kenneth Dintzer, một người có thâm niên 30 năm tham gia các vụ kiện tụng cấp chính phủ.

Minh Tú (t/h)