Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Tiền phong. |
Nghị quyết nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy tinh thần phục vụ Nhân dân, tư duy kiến tạo, hành động vì lợi ích chung. Quan điểm nhất quán là: người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, hệ thống pháp luật Việt Nam phải dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi; bảo đảm tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn và tạo điều kiện cho phát triển. Khi đó, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao.
Lộ trình cụ thể được đưa ra: Năm 2025, cơ bản tháo gỡ các "điểm nghẽn" pháp lý. Năm 2027, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư vào top 3 ASEAN.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ có hệ thống pháp luật hiện đại, chất lượng cao, phù hợp chuẩn mực quốc tế, được thực thi nghiêm túc, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, nhà nước tinh gọn, hiệu quả, đưa Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh việc đảm bảo thi hành pháp luật công bằng, nghiêm minh, hiệu quả, kịp thời. Việc xây dựng và thực thi pháp luật phải gắn kết chặt chẽ, tránh chồng chéo và trì trệ.
Một điểm then chốt được nêu rõ là không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính. Đồng thời, không dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào các tranh chấp thuộc lĩnh vực dân sự, kinh tế.
Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh đối thoại, tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng các kiến nghị pháp lý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Việc đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật sau ban hành cần được tiến hành thường xuyên, kết hợp với ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế xử lý kịp thời các vướng mắc từ quy định pháp luật.
Cuối cùng, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của công tác phòng ngừa vi phạm, đồng thời tăng cường giám sát, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền, né tránh trách nhiệm. Nghiêm cấm lợi dụng công tác phòng, chống tham nhũng để trục lợi hoặc can thiệp vào hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân.