Ngày lễ mua sắm Black Friday có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào? |
Black Friday hay “thứ Sáu đen tối” là ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) có nguồn gốc từ Mỹ, thường được coi là khởi đầu của mùa mua sắm Giáng sinh với hàng loạt cửa hàng giảm giá mạnh để thu hút khách hàng. Năm nay, Lễ Tạ ơn ở Mỹ diễn ra vào ngày thứ Năm của tuần thứ tư tháng 11, tức ngày 28/11. Vì vậy, Black Friday 2024 rơi vào thứ Sáu, ngày 29/11/2024. Vào ngày này, nhiều cửa hàng thường có các chương trình giảm giá lớn, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến mua sắm.
Về nguồn gốc, Black Friday được cho là bắt nguồn từ Philadelphia vào những năm 1960. Theo đó, cảnh sát địa phương dùng cụm từ này để chỉ ngày Thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn – thời điểm lượng người mua sắm đổ về trung tâm thành phố tăng đột biến, gây ùn tắc và khiến công việc kiểm soát giao thông trở nên khó khăn hơn.
Thuật ngữ "Black Friday" ban đầu được sử dụng để mô tả tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra vào ngày sau Lễ Tạ Ơn ở thành phố Philadelphia vào những năm 1960. Cảnh sát thành phố dùng thuật ngữ này vì dòng người mua sắm quá đông tạo ra sự hỗn loạn.
Đến cuối những năm 1980, các nhà bán lẻ đã tìm cách chuyển đổi ý nghĩa của "Black Friday" theo hướng tích cực hơn. Trong tiếng Anh, hai cụm từ “in the black” (kinh doanh có lãi) và “in the red” (kinh doanh thua lỗ) cũng được cho là liên quan đến tên gọi Black Friday. Theo truyền thống kế toán, lợi nhuận được ghi bằng mực đen, trong khi lỗ được ghi bằng mực đỏ. Do đó,tên gọi “Black Friday” vì thế ám chỉ ngày mua sắm sôi động nhất năm, mang lại doanh thu lớn cho các doanh nghiệp.
Black Friday thường chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng nhiều cửa hàng và nhà bán lẻ bắt đầu giảm giá từ trước đó vài ngày và kéo dài đến cuối tuần. Do đó, tổng thời gian khuyến mãi có thể kéo dài từ một tuần đến vài ngày sau Black Friday.
Ngày Black Friday là một sự kiện văn hóa không chỉ ở Mỹ mà còn lan rộng ra nhiều quốc gia khác với các chương trình khuyến mãi lớn mang đến cơ hội mua sắm hấp dẫn cho mọi tín đồ mua sắm. Đây được xem là ngày mua sắm lớn nhất trong năm, khi các nhà bán lẻ tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh trên nhiều mặt hàng.
Black Friday đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế bán lẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện doanh số và tình hình kinh doanh trước khi kết thúc năm. Với sự phát triển của thương mại điện tử, hiện nay, Black Friday không chỉ giới hạn trong các cửa hàng truyền thống mà còn phổ biến mạnh mẽ trên các kênh thương mại điện tử, mang đến cơ hội mua sắm hấp dẫn cho người tiêu dùng toàn cầu.
Black Friday không chỉ là ngày hội mua sắm giảm giá mà nó còn phản ánh văn hóa tiêu dùng hiện đại và sức mạnh của marketing bán lẻ. Nó đã trở thành một hiện tượng văn hóa - xã hội độc đáo, tạo ra những thay đổi nhất định trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Black Friday đã trở thành một sự kiện phổ biến tạo nên cơn sốt mua sắm lớn chưa từng có được người tiêu dùng và các nhà bán lẻ đón nhận nồng nhiệt.
Trong ngày này, rất nhiều cửa hàng và thương hiệu lớn nhỏ đều tham gia với các chương trình giảm giá hấp dẫn. Các cửa hàng, trung tâm thương mại và các trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để tổ chức các chương trình khuyến mãi lớn, để tạo không khí sôi động và tăng cường trải nghiệm mua sắm. Các nền tảng mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, TikTokShop... cũng tích cực tham gia bằng các chiến dịch khuyến mãi, mã giảm giá và các chương trình flash sale nhằm thu hút rất nhiều người tiêu dùng.
Ngày Black Friday không chỉ là cơ hội săn lùng những mặt hàng giá rẻ, mà còn là dịp để người tiêu dùng chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm. Các mặt hàng được ưa chuộng nhất thường là đồ điện tử, thời trang và đồ gia dụng. Do đó, ngoài việc tận dụng cơ hội vàng để "tự thưởng" cho bản thân, đây còn là dịp tụ tập với bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, tình trạng "loạn khuyến mãi" dịp Black Friday cũng đòi hỏi người tiêu dùng chắt lọc thông tin, cảnh giác với các chiêu trò khuyến mãi không trung thực, hoặc bán hàng hóa kém chất lượng. Nhu cầu mua sắm tăng đột biến cũng có thể gây ra tình trạng quá tải cho các trang thương mại điện tử hoặc các cửa hàng truyền thống, đây là điều bạn cũng nên lường trước.