Bình Thuận: Ngành ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2023

08:35 30/01/2023

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bình Thuận (NHNN tỉnh) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2022, ngành ngân hàng Bình Thuận đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách, các giải pháp về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng. Ngành cũng đã thực hiện kịp thời các giải pháp tín dụng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn như: Cơ cấu lại thời hạn nợ; xem xét miễn giảm lãi, phí; cho vay mới…; mở rộng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch. 

Phó Giám đốc NHNN tỉnh Phạm Văn Trịnh báo cáo tại hội nghị
Phó Giám đốc NHNN tỉnh Phạm Văn Trịnh báo cáo tại hội nghị.

Theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2022, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 183 tỷ đồng/427 khách hàng; miễn giảm hạ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền là 161,69 tỷ đồng (trong đó, miễn, giảm lãi vay là 5,86 tỷ đồng, hạ lãi suất cho với số tiền lãi đã hạ là 155,83 tỷ đồng); 76.069 tỷ đồng/102.934 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra (lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/12/2022).

Nguồn vốn tín dụng đã được tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên gắn với việc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Công tác cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế đảm bảo không bị gián đoạn mặc dù trong điều kiện diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp. Triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của ngành, nổi bật là đã thực hiện chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngân hàng Bình Thuận vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế như: Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “có khả năng trả nợ, có khả năng hồi phục trong 11 ngành, lĩnh vực” còn thấp; dư nợ cho vay tăng trưởng thấp, đạt 7,65%, thấp hơn so với cả nước (12,87%); nợ xấu có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu tăng 1,35% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng cao hơn mặt bằng chung cả nước (1,92%)…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến, NHNN tỉnh sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn; tích cực tham gia và triển khai hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tăng cường công tác thanh tra giám sát năm 2023; Phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; Tăng cường quản lý hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn; Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn CNTT và hệ thống thanh toán trên địa bàn…

Quang Duy – Vân Nguyễn