Công nghệ số và chuyển đổi số (CĐS) được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Tại hội nghị về xu hướng “Chuyển đổi kép” và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây, ông Lê Minh Chiến, Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, tổng kinh phí ngân sách Trung ương dành để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong năm 2024 là 140 tỷ đồng. Dự kiến kinh phí này sẽ hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 DN qua các hình thức đào tạo trực tiếp, trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp CĐS.
Tại Bình Dương, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với mục tiêu trở thành thành phố thông minh vào năm 2030, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, thông qua quy hoạch và các chính sách hỗ trợ, tỉnh đang khuyến khích các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở phía bắc của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp công nghệ cao, ít thâm hụt lao động và sở hữu công nghệ tự động hóa, thông minh hóa cao.
"Xác định sự phát triển của DN là 'sức khỏe' của nền kinh tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh việc CĐS trong hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở, đồng thời tăng cường khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện CĐS. Tháng 4 vừa qua, tỉnh đã thành lập Trung tâm CĐS Bình Dương để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác CĐS", ông Nguyễn Văn Dành cho biết.
Thực hiện chuyển đổi kép, kết hợp CĐS với chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu mà cộng đồng DN cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường. Bình Dương đã triển khai một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Tại Khu công nghiệp VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chưa phát triển mạnh, và sự hợp tác giữa Nhà nước, viện nghiên cứu/ nhà trường, DN chưa được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban CĐS, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, cho rằng, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi kép là sử dụng công nghệ số để khuếch đại tính bền vững. Để thúc đẩy kinh tế số, ông Huy chia sẻ giải pháp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với các dịch vụ 5G để phát triển nông nghiệp thông minh (5G MobiFone - MobiAgri) và nhà máy thông minh (5G MobiFone - Smart Factory). Theo ông Huy, các nhà máy sản xuất dệt may, lắp ráp công nghiệp nhẹ, sản xuất tiêu dùng tại các khu, cụm công nghiệp Bình Dương cần triển khai hệ thống ERP (lập kế hoạch nguồn lực, quản trị tổng thể DN) để quản trị quá trình sản xuất từ khâu đặt hàng tới khâu xuất hàng.
Vân Nguyễn