Bài học tránh bão lạm phát của các tỷ phú trên thế giới

19:18 21/01/2023

Đây là thời điểm trong năm khi mọi người bắt đầu đưa ra các đánh giá, tổng hợp, phân tích về tình hình kinh tế thế giới năm vừa qua. Năm 2022 đã không phải là một bức tranh đẹp cho tất cả. Lạm phát hoành hành, chính sách tiền tệ thắt chặt, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, suy thoái kinh tế sắp xảy ra, đình công, thảm họa khí hậu và thị trường cực kỳ biến động, bạn có thể tìm thấy mọi thứ trong chỉ một năm 2022. Vậy hãy xem các tỷ phú đã làm gì để tránh cơn bão lạm phát trong năm qua:

Ảnh minh họa

Bernard Arnault, một con khủng long thực sự

Theo bộ chỉ số tỷ phú mới nhất của Bloomberg, Elon Musk đã trao vương miện của mình với tư cách là người giàu nhất thế giới cho Bernard Arnault, ông chủ của đế chế Louis Vuitton, Moët-Hennessy (LVMH). Hãy nhớ lại rằng Bernard Arnault chỉ là người thứ năm kể từ khi thành lập bộ chỉ số tỷ phú vào năm 2012, có danh hiệu đó sau Carlos Slim, Bill Gates, Jeff Bezos và tất nhiên là cả Elon Musk. 

Một số người đã gọi sự thay đổi này là “sự trỗi dậy của khủng long” vì Arnault đã đạt được điều đó nhờ sở hữu các doanh nghiệp không làm gì khác ngoài sản xuất và bán mọi thứ. Vâng, ông ấy sở hữu đầy đủ, mặc dù không phải tất cả, các thương hiệu xa xỉ được đánh giá cao nhất thế giới, kể cả khi đã để tuột mất đầy tiếc nuối Gucci và Hermes vào tay đối thủ. Khác với Musk, Arnault không sở hữu Twitter, thậm chí còn không tweet cho chính mình. Một cách lặng lẽ, ông ấy tập trung xây dựng công việc kinh doanh của mình và kiếm tiền. Người giàu nhất thế giới nhưng không có máy bay riêng, ông xứng đáng là “một con khủng long thực sự”.

Bernard Arnault, ông chủ của đế chế Louis Vuitton, Moët-Hennessy (LVMH)
Bernard Arnault, ông chủ của đế chế Louis Vuitton, Moët-Hennessy (LVMH).

Trong năm 2020, đại dịch đã buộc các công ty phải ngừng sản xuất phần lớn thời gian, gây ra sự chậm trễ và những gián đoạn trong sản xuất tiếp tục gây thiệt hại nặng đến hệ thống chuỗi cung ứng trên quy mô toàn cầu chưa từng có. Trong khi đó, người tiêu dùng buộc phải ở nhà, tích lũy tiền tiết kiệm. Chi tiêu tùy ý thường dùng để đi du lịch hoặc mua hàng hóa xa xỉ, đặc biệt các sản phẩm bền dùng được lâu như bộ sưu tập túi da Louis Vuitton thuộc dạng sưu tập được.

Trên thực tế, LVMH đã có một năm doanh thu kỷ lục vào năm 2021, báo cáo doanh thu 64,2 tỉ Euro (71,5 tỉ USD), tăng 44% so với năm 2020. Mặt hàng thời trang và hàng da của công ty - ngoài Louis Vuitton, còn có Dior, Fendi, Celine và Loewe - cũng đạt doanh số cao kỷ lục. Nhờ vào tăng trưởng mạnh vào quý thứ tư, doanh thu vào năm 2021 trong thời trang và hàng da đã tăng 42% từ mức trước đại dịch trong năm 2019 lên 30,8 tỉ euro (tương đương 34,8 tỉ USD). Louis Vuitton, thương hiệu thời trang hàng đầu trong đế chế chuyên kinh doanh các mặt hàng xa xỉ LVMH, thông báo tăng giá trong tuần này do chi phí sản xuất tăng và lạm phát toàn cầu. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến giá thành của hàng da, phụ kiện và nước hoa Louis Vuitton trên toàn thế giới.

“Việc điều chỉnh giá do những thay đổi về chi phí sản xuất, nguyên liệu, vận chuyển cũng như lạm phát,” Louis Vuitton cho biết trong thông cáo gửi đến Reuters.

Thương hiệu xa xỉ lớn nhất thế giới cùng với các hãng thời trang nổi tiếng khác - bao gồm Hermès và Chanel - đã tăng giá từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu để duy trì lợi nhuận trước tác động của lạm phát. Chanel đã tăng giá một số túi xách cổ điển ba lần vào năm ngoái. Khi được hỏi về kế hoạch tăng giá trong năm nay, Arnault trả lời: “Chúng tôi phải duy trì giá hợp lý.”

Tháng 8-2021, tỉ phú người Pháp Bernard Arnault đã bán 5,5% cổ phần của mình trong nhà bán lẻ Carrefour (Pháp) với giá khoảng 850 triệu USD. Theo các báo cáo thường niên, ông sở hữu hầu hết số cổ phần trên thông qua Cervinia Europe, công ty đăng ký ở Luxembourg. Ông Arnault thành lập Cervinia Europe năm 2013 và sau đó chuyển cổ phần của ông ở Carrefour sang cho công ty này từ một thực thể khác ở Luxembourg là Blue Capital (cũng do tỉ phú Arnault thành lập để giữ cổ phần Carrefour vào năm 2007). Thời điểm đó, ông mua 9,1% cổ phần của Carrefour. 

Đó không phải là tài sản duy nhất của ông Arnault "gửi" ở Luxembourg. Ông hiện sở hữu hơn 20 thực thể có trụ sở tại Luxembourg, nắm giữ các khoản đầu tư tư nhân trị giá 1,6 tỉ USD (tính đến tháng 12-2020). 

Elon Musk, một thiên tài kỹ thuật và đẩy giá cổ phiếu

Không nghi ngờ gì, Musk là một thiên tài kỹ thuật. Và Tesla, tốt nhất nên là một nhà sản xuất ô tô đồng thời là nhà kinh doanh tín dụng carbon. Nó không nên là một công ty công nghệ, và càng chế tạo được nhiều ô tô, thì nó sẽ càng khó được định giá như một cổ phiếu của công ty công nghệ cao.

Tỷ phú Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk.

Một phần thiên tài của Musk, ngoài tầm nhìn công nghệ và khả năng biến điều không thể thành hiện thực, là nắm bắt được khái niệm thúc đẩy giá cổ phiếu bằng cách tạo ra lượng cầu vượt quá nguồn cung. Và đó là những gì ông ấy đã làm với Tesla. Mọi người đều muốn có một phần và ông ấy đảm bảo rằng mức cổ phiếu chuyển nhượng tự do luôn thấp hơn nhu cầu phổ biến. Các nhà đầu tư sẵn sàng trả bất cứ giá nào để sở hữu một phần giấc mơ của Musk. Đã có lúc, tỷ lệ P/E của cổ phiếu Tesla đạt khoảng 1.400 và Tesla có giá trị cao hơn 10 công ty ô tô hàng đầu thế giới cộng lại. Vào thời điểm này, P/E đang ở mức dưới 50.

Mới đây, trong một chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Musk đã đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư trong giai đoạn lạm phát cao như hiện nay. “Trong các thời kỳ lạm phát cao, thường thì sở hữu những tài sản như nhà cửa hay cổ phiếu doanh nghiệp - mà bạn nghĩ đang làm ra sản phẩm tốt - sẽ ổn hơn là giữ tiền mặt”.

Quan điểm này của ông tương đồng với của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett - Chủ tịch, CEO của Berkshire Hathaway. Năm 2009, khi Đại suy thoái sắp kết thúc, ông Buffett nói rằng một trong những cách tốt nhất để phòng vệ trước lạm phát là nắm giữ cổ phiếu của “một doanh nghiệp tuyệt vời”.

“Đó là bởi dù cho giá trị đồng Đôla diễn biến thế nào, vẫn luôn có nhu cầu đối với sản phẩm tốt của doanh nghiệp”, ông Buffett nói tại đại hội cổ đông Berkshire năm đó. “Ví dụ bạn sở hữu cổ phiếu Coca-Cola, bạn sẽ sở hữu một phần kết quả lao động của công ty này trong 20 năm và 50 năm nữa và chẳng có gì khác biệt dù giá sản phẩm có biến động thế nào, bởi vì người tiêu dùng sẽ luôn trả tiền cho sản phẩm họ thích”.

Tuy nhiên, điều rất đáng chú ý, theo công ty nghiên cứu tài chính VerityData, từ đầu năm 2022 đến nay, Musk đã bán hơn 94.2 triệu cổ phiếu Tesla với giá trung bình là 243.46 USD, thu về khoảng 22.93 tỷ USD, chưa tính thuế, diễn ra vào thời điểm mà nhu cầu mua xe đã giảm.

“Bà hoàng" cổ phiếu Cathy Wood và chiến lược đầu tư vào những công ty sáng tạo đột phá

Cathy Wood, nhà quản lý quỹ đầu tư ARK (có tổng tài sản khoảng 45 tỷ USD, từ con số chỉ 3,3 tỷ USD vào năm 2020), cũng chơi trò chơi tương tự như Elon Musk hay Warren Buffett. 

Bà dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2023 với việc hạ lãi suất cơ bản khi các hoạt động của nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy giảm. Bà cho biết, dù nhiều nhà kinh tế đang phản đối quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2023, thì bà vẫn cho rằng suy thoái đã xảy ra và sẽ chấm dứt vào năm sau.

Trong bối cảnh đó, bà đã đưa ra lời khuyên rằng: ”Hãy mua một lượng lớn cổ phiếu nhỏ và kém thanh khoản. Đẩy giá lên, sau đó, hãy cho cả thế giới biết bạn vừa mua thứ gì và đợi những người đánh cược nhảy lên tàu để giành lấy một phần của số cổ phiếu chuyển nhượng tự do nhưng có hạn còn lại”.

“Bà hoàng
“Bà hoàng" cổ phiếu Cathy Wood.

Mặc dù năm 2022 đã chứng kiến nhiều biến động trên thị trường, tuy nhiên bà vẫn có cái nhìn lạc quan và cho rằng: “Đôi khi bạn cần thử thách chiến đấu, bạn cần trải qua khủng hoảng để nhìn thấy những người sống sót”. Công ty quản lý quỹ ARK Investment Management LLC của bà Cathie Wood đã đặt cược mạnh vào những lĩnh vực rất mới như các doanh nghiệp năng lượng tái sinh, thăm dò vũ trụ, và tiền kỹ thuật số. Cổ phiếu của những công ty như vậy thường được giới đầu tư gọi là cổ phiếu “meme” - được xem như trò vui, tuy nhiên khả năng lợi nhuận và thua lỗ đều rất lớn do mức biến động cực cao. Việc bà Wood dành tâm huyết cho những tài sản “meme”, cùng với sự hiện diện thường xuyên của bà trên mạng xã hội Twitter và các kênh tin tức tài chính đã đưa bà lên ngang tầm ảnh hưởng thị trường với những nhân vật nổi tiếng khác, chẳng hạn như CEO Elon Musk của Tesla, nhà đầu tư mạo hiểm Chamath Palihapitiya, hay nhà sáng lập David Portnoy của Barstool Sports - những người sử dụng Twitter, YouTube và podcast để trực tiếp đưa thông điệp của họ đến một thế hệ nhà đầu tư mới.

Bà Cathie Wood là người sáng lập và CEO của công ty quản lý quỹ ARK Investment Management LLC. Được mệnh danh là "bà hoàng" cổ phiếu,  bà là một trong những nhà quản lý quỹ chủ động nổi tiếng nhất thế giới, chủ yếu đầu tư vào những công ty sáng tạo đột phá. Bà đã trở nên thành công và nổi tiếng từ việc đặt cược rất lớn vào Tesla.

Giovanni Ferrero, ông chủ cửa hàng bánh kẹo giàu nhất Italia

Là người giàu nhất nước Ý, sở hữu 75% vốn của đế chế bánh kẹo Ferrero International S.A của gia đình. Số cổ phần này ước tính trị giá khoảng 37,6 tỉ USD. Đế chế của ông bán sôcôla Ferrero Rocher, bơ Nutella, kẹo bạc hà Tic Tac và các loại bánh kẹo khác tại hơn 170 quốc gia, doanh thu 12,9 tỷ euro (13,6 tỷ USD) vào năm 2021.

Giovanni Ferrero, ông chủ cửa hàng bánh kẹo giàu nhất Italia
Giovanni Ferrero, ông chủ cửa hàng bánh kẹo giàu nhất Italia.

Năm 2022, để ứng phó với một loạt các thách thức, trong đó có cơn bão lạm phát càn quét khắp các thị trường thế giới, Giovanni Ferrero đã tìm cách nâng cao giá trị của doanh nghiệp, thiết lập sự hiện diện rộng rãi của công ty trên thị trường thực phẩm ngọt đóng gói bằng việc thành lập một trung tâm đổi mới sáng tạo rộng 45.000 foot vuông tại Chicago, Mỹ. Trong hai năm 2021 và 2022, chi nhánh Ferrero tại Bắc Mỹ đã bắt tay vào một loạt cải tiến lớn đối với hoạt động của mình, tăng đáng kể các cơ sở phân phối, cũng như cung cấp một số dòng sản phẩm mới quan trọng bao gồm một phiên bản mới cho dòng sản phẩm sô cô la thanh Ferrero Rocher.

“Mục tiêu của chúng tôi đối với không gian này là phản ánh di sản độc đáo của Ferrero và tạo cơ hội để hình thành sức mạnh tổng hợp lớn hơn nữa giữa các nhóm của chúng tôi. Không gian mới này sẽ thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo và văn hóa mà Ferrero được biết đến trên toàn thế giới,” ông Todd Siwak, Chủ tịch kiêm Giám đốc Kinh doanh của Ferrero Bắc Mỹ cho biết.

Hiện nay Giovanni Ferrero điều hành tổng cộng 107 công ty trên khắp thế giới, bao gồm 32 nhà máy sản xuất, với lực lượng lao động ngày càng tăng. Trong báo cáo phát triển bền vững của mình, các mục tiêu của công ty được chia thành một số lĩnh vực cốt lõi, bao gồm: Hành động vì khí hậu: giảm lượng khí thải carbon bằng cách giảm phát thải khí nhà kính (GHG) trong các hoạt động và chuỗi giá trị của mình, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Công ty  cũng giành được sự khen ngợi từ các tổ chức lớn trên toàn cầu bao gồm cả WWF về các chính sách trách nhiệm với môi trường.

Một lĩnh vực cốt lõi khác là quản lý nước: sử dụng nước có trách nhiệm trong các quy trình sản xuất, giảm tiêu thụ nước và quản lý xả nước thải. Chất thải công nghiệp và thực phẩm tạo thành một phân khúc trọng tâm khác: thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó bao bì và chất thải từ các nhà máy sản xuất trở nên có giá trị và không bao giờ trở thành nguồn gây ô nhiễm. Giovanni Ferrero rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng và công nghệ phân loại tái chế. Vào tháng 9 năm 2021, Ferrero Rocher đã ra mắt hộp polypropylene mới được thiết kế thân thiện với môi trường. Ferrero cho biết trong báo cáo mới nhất của mình rằng trọng tâm hiện tại của họ là tìm hiểu các cam kết về khí hậu và lượng khí thải của các nhà cung cấp, để thiết lập cơ sở cho các hoạt động trong tương lai.

Về tính bền vững liên quan đến tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, công ty xác nhận rằng “tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm là cách chúng tôi kinh doanh và cách chúng tôi xây dựng chuỗi cung ứng trên tất cả các danh mục của mình - đó là yêu cầu không phải bàn cãi.”

Điều này đòi hỏi các biện pháp quản lý nhà cung cấp và thẩm định chặt chẽ, khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng, chứng nhận và tiêu chuẩn, quan hệ đối tác và cộng tác, hai yếu tố cuối cùng đã ăn sâu vào văn hóa kinh doanh của công ty. Tính minh bạch là đặc biệt quan trọng, với dầu cọ và ca cao của công ty hầu hết được truy xuất nguồn gốc trở lại đồn điền hoặc nông dân. Ngoài ra, nguyên liệu thô và nguyên liệu đóng gói, đều tuân theo các tiêu chuẩn bền vững nghiêm ngặt. Ví dụ: RSPO cho dầu cọ, các tiêu chuẩn được quản lý độc lập như Rainforest Alliance, Fairtrade cho ca cao, FSC và PEFC cho giấy nguyên chất hoặc Bonsucro cho đường mía.

Cùng với đó, các biện pháp phát triển bền vững khác đã được thực hiện thông qua quan hệ đối tác với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Bờ Biển Ngà và Ghana, ILO ở Thổ Nhĩ Kỳ và Earthworm ở Đông Nam Á.

Để tổng kết về một năm 2022, ông đã phát biểu: “Tất nhiên, năm nay đặc biệt khó khăn. Đại dịch đã làm nổi bật sự bất bình đẳng tồn tại trên thế giới, và các tác động kinh tế và xã hội là khác nhau giữa các quốc gia. Ngoài ra, đã có những gián đoạn được công bố rộng rãi đối với vận chuyển hàng hóa và hậu cần toàn cầu, cũng như lạm phát giá nguyên vật liệu và năng lượng”.

“Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, Ferrero với tư cách là một doanh nghiệp đã chứng tỏ khả năng phục hồi và tiến độ vững chắc của các kế hoạch bền vững của chúng tôi không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của chúng tôi tiếp tục mở rộng, cả thông qua việc mua lại mới và thông qua tăng trưởng hữu cơ”, ông kết luận.

Giải pháp của “đại gia” Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC):

Để ứng phó với lạm phát toàn cầu tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất của Đài Loan hoạt động trong lĩnh vực như chất bán dẫn, máy móc chính xác, xe đạp và thiết bị y tế,… đã nhanh chóng tổ chức lại kế hoạch tiếp nhận đơn hàng, tổ chức sản xuất linh hoạt hơn, hiệu quả hơn, tốc độ nhanh hơn, nhằm thực hiện đúng về thời hạn sản xuất và thời hạn giao hàng theo yêu cầu của bên đặt đơn hàng. Họ cũng đã tăng cường tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng thích ứng. Nhiều nhà sản xuất Đài Loan chọn mở rộng cơ sở sản xuất ở nước ngoài hoặc hệ sinh thái chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Đài Loan hiện này đều đang tích cực chuyển mình để thích ứng với bối cạnh gia tăng lo ngại về lạm phát, trong đó phải kể đến tập đoàn chip khổng lồ TSMC. Hiện nay, tình trạng thiếu chip toàn cầu do đại dịch Covid-19 đã khiến việc sản xuất ô tô, TV và máy tính bị trì hoãn, điều này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của TSMC trên thị trường toàn cầu.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC)
Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).

Trong ngành sản xuất chip, TSMC chiếm 54% thị phần thế giới trị giá khoảng 600 tỷ năm 2022, dự báo sẽ tăng lên 1400 tỷ USD vào năm 2029. Sản phẩm của TSMC thuộc loại cao cấp nhất. Nhưng TSMC chỉ là một khâu trong cả chuỗi cung ứng từ công nghệ đến vật liệu vv… TSMC phải cần máy quang khắc của ASML Hòa Lan, ASML, cần hệ thống quang học của Zeiss, Đức...Tất cả các công nghệ liên quan đều do Mỹ và các nước đồng minh nắm giữ.

Vì vậy, để tổ chức lại chuỗi sản xuất và cung ứng chip, mới đây, vào ngày 06/12/2022, TSMC đã tổ chức lễ nhập máy sản xuất chip vào nhà máy thứ 2 tại thành phố Phoenix, bang Arizona. Tổng mức đầu tư là 40 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất về tổng số vốn đầu tư cho một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Mỹ và tại Arizona.  Nhà máy thứ 2 sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026 và sản xuất chip 3nm, loại chip tiên tiến nhất hiện có. Nhà máy mới sẽ đủ chip để đáp ứng nhu cầu của Mỹ với 600.000 tấm wafer mỗi năm và tạo ra 10.000 việc làm tại nhà máy cùng 10.000 việc làm xây dựng khác. Mặc dù dự báo là chi phí lao động tại nhà máy này cao hơn khoảng 50% so với nhà máy của TSMC tại Đài Loan và Trung Quốc, nhưng đổi lại, TMSC có thể được lợi từ khoản tài trợ vốn 280 tỷ USD nhằm thúc đẩy công nghệ cao tại Mỹ, theo Đạo luật Khoa học & CHIPS, bao gồm 52,7 tỉ USD cho các khoản vay, trợ cấp cùng các ưu đãi khác, cũng như hàng tỷ USD tín dụng thuế nhằm khuyến khích đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Mỹ. TSMC sẽ ổn định chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng chip của họ, phù hợp với chính sách thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn của Mỹ, tránh được rủi ro về giấy phép khi bán sản phẩm bán dẫn hoặc thiết bị sản xuất liên quan cho nhà  máy của họ tại Trung Quốc, tránh các rủi ro về địa chính trị, rủi ro tài sản khi duy trì nhà máy tại Đài Loan và Trung Quốc.

Chuỗi hệ thống DM  ứng phó với khủng khoảng năng lượng và lạm phát?

Giá cả leo thang đã là 1 hiện tượng phổ biến từ tháng 2/2022. Không có gì đáng ngạc nhiên khi mà ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà chuỗi hệ thống DM cân bằng được sự leo thang giá cả. Tổng giám đốc của DM ông Christoph Werner chia sẻ: “Giá năng lượng tăng là nằm trong kế hoạch chúng tôi đã dự đoán. Chúng tôi từ sớm đã chuyển sang sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED và hệ thống làm lạnh tiết kiệm điện. Điều này đã thực sự có ích. Ngoài ra còn có máy cảm ứng chuyển động trong các phòng để bật đèn khi bạn bước vào và tắt đèn khi bạn rời đi, cũng như một số thiết bị và máy phát điện được trang bị cho trường hợp mất điện tuy điều này là khó xảy ra”.  

Vấn đề lớn hơn và có tác động trực tiếp đến giá tới tay người tiêu dùng nằm ở các đối tác và các nhà cung cấp. Giám đốc marketing Sebastian Bayer chia sẻ: “ Vì bản thân DM không phải nhà sản xuất mà chỉ phân phối nên chúng tôi bị phụ thuộc vào nhiều đối tác. Việc các đối tác bị tác động bởi lạm phát và khủng hoảng năng lượng cũng tác động trực tiếp đến chúng tôi”

Chúng tôi luôn luôn cung cấp 1 giải pháp thay thế rẻ hơn.

“Với mức giá mua vào khác nhau dẫn đến các sản phẩm được bán ra với mức giá khác nhau. Kết quả là mức tăng giá cũng khác nhau và khó có thể đưa ra 1 con số duy nhất.” Bayer giải thích. “ Tuy nhiên chúng tôi luôn cung cấp cho khách hàng 1 giải pháp thay thế rẻ hơn. Ví dụ như chúng tôi vẫn bán các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình với mức giá phải chăng.”

Tuy nhiên nhờ nhu cầu ngày càng tăng, chuỗi DM vẫn tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên nhờ nhu cầu ngày càng tăng, chuỗi DM vẫn tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, ngay cả với những đối tác có vấn đề, chúng tôi vẫn có thể thực hiện các thỏa thuận có lợi cho ví tiền của khách hàng. Chúng tôi có thể tiết kiệm ở khía cạnh khác. Ví dụ như với 1 trong những nhãn hiệu sữa yến mạch của chúng tôi, chúng tôi không bán sữa thành phẩm nữa mà chỉ bán sữa cô đặc có thể pha bằng 1 ly nước. Chất lượng sản phẩm vẫn được giữ nguyên nhưng chúng tôi tiết kiệm được 1 khoản lớn về bao bì, điều mà cũng rất có ích về mặt sinh thái, Bayer nói.

Chúng tôi muốn cung cấp đúng thứ, chứ không phải càng nhiều càng tốt. Mục đích của những chiến dịch như vậy là hạn chế tối đa áp lực tăng giá lên khách hàng. Tất nhiên, bạn luôn phải thương lượng giá cả với nhà cung cấp sao cho công bằng với cả 2 bên. Trong thời kỳ khủng hoảng, rất khó để dự đoán chính xác điều nãy sẽ tiếp diễn như thế nào, Bayer tiếp tục chia sẻ.

Werner thì chia sẻ: “Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là khách hàng được chăm sóc tốt. Triết lý của chúng tôi là cung cấp đúng thứ, chứ không phải càng nhiều càng tốt.”

Tuy nhiên nhờ nhu cầu ngày càng tăng, chuỗi DM vẫn tiếp tục phát triển. Theo báo cáo của công ty, doanh số bán hàng trên toàn châu Âu trong năm tài chính vừa qua ( tính đến 30/09/2022) đã tăng 10,7% lên 13,6 tỉ Euro.

Tại các cơ sở nước ngoài, mức tăng trưởng đạt 13,5% còn riêng tại Đức mức tăng là 9,7% đạt 9,9 tỉ Euro.

Ngoài các mặt hàng thương hiệu riêng thì các sản phẩm hữu cơ vẫn có nhu cầu trong thời kỳ khủng hoảng. Theo DM, các trạm lấy hàng, nơi các sản phẩm đã đặt hàng online có thể được lấy tại 1 chi nhánh bất kỳ, được khách hàng đặc biệt đón nhận. Những trạm lấy hàng này đã trở thành 1 phần quan trọng của các chi nhánh trong những tháng vừa qua.

Ông Christoph Werner cho rằng thành công trong kinh doanh là văn hóa hợp tác và sự tập trung nhất quán vào lợi ích của khách hàng.

Những điểm chung của các tỷ phú trong việc tránh lạm phát:

1. Mua số lượng lớn hàng hóa có giá trị: Bất cứ thứ gì mà giá trị hôm nay mà không bị mất giá trong tương lai sẽ giúp bạn bảo vệ tài sản, nếu lạm phát tiếp tục. Do đó bạn nên mua càng nhiều càng tốt, càng đa dạng càng tốt. Nhớ chú ý biến động của thị trường và làm chính xác điều ngược lại, nghĩa là bán ra càng nhiều càng tốt khi lạm phát hạ nhiệt khiến giá các loại hàng hóa đó giảm.

2.  Tìm kiếm các cặp đối lập: Đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn bằng cách mua các loại tài sản đối lập theo cặp. Điều này có thể giúp giảm thiểu số tiền bạn mất trong thời gian ngắn nếu cổ phiếu tiếp tục giảm giá vì một loại tài sản sẽ có xu hướng tăng giá trị trong khi loại tài sản kia lại giảm.

3. Tạo thêm doanh thu từ việc mở rộng hoặc tìm kiếm lĩnh vực kinh doanh mới:

 Một trong những rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời kỳ suy thoái là giảm hoặc không có doanh thu. Hãy bù đắp rủi ro đó bằng cách mở rộng hoặc tìm kiếm lĩnh vực kinh doanh mới. Cho thuê tài sản cũng là một cách khác để tạo doanh thu.

4. Bán những tài sản hay mảng kinh doanh không có khả năng sinh lời hoặc đang thua lỗ:

Những người bán đồ cũ phát triển mạnh trong thời kỳ Đại suy thoái. Bán những món đồ bạn không còn sử dụng cho các cửa hàng đồ cũ cũng tương tự như việc bạn bán đi những tài sản, mảng kinh doanh không có khả năng sinh lời hoặc đang thua lỗ. Chuyển gánh nặng cho người khác và có dòng tiền mới để kinh doanh hiệu quả hơn luôn là lựa chọn đáng để cân nhắc trong thời kỳ lạm phát.

5. Nâng cao giá trị của doanh nghiệp và của chính bạn:

Chuyển giá trị lạm phát vào giá bán cho người tiêu dùng là một chuyện, nhưng cái bạn cần là nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Việc này đòi hỏi nhiều biện pháp cần được thực hiện một cách tổng thể, từ nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, cam kết bảo vệ môi trường, chia sẻ giá trị cho cộng đồng, đảm bảo quyền lợi của người lao động và sự an toàn của người tiêu dùng, ủng hộ chống biến đổi khí hậu, tài trợ cho các tổ chức nhân đạo vv… Cải thiện kỹ năng, nâng cao trình độ học vấn, mở rộng mối quan hệ là những cách để bản thân bạn trở nên có giá trị. Khi bạn càng có giá bạn sẽ càng kiếm được nhiều tiền hơn.

6. Đừng hoảng sợ - suy thoái không kéo dài mãi mãi:

Nếu doanh nhiệp của bạn đang gặp khó khăn do lạm phát, bạn có thể phải cắt giảm đáng kể hoặc chi tiêu vào quỹ dự phòng khẩn cấp, nhưng bạn luôn có thể lấy lại số tiền đó sau này. Hãy nhớ rằng từ năm 1900, các cuộc khủng hoảng kinh tế trung bình sẽ chỉ kéo dài khoảng 15 tháng. Trong thời kỳ Đại suy thoái, tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã từng nói: “Thứ duy nhất mà chúng ta phải sợ hãi chính là sự sợ hãi”. Vì vậy hãy tin tưởng và tương lai và nhất là đừng hoảng sợ.

Anh Dũng – Văn Thành – Anh Quân