Ảnh minh họa
Bỏ yêu cầu "thành lập, đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam"
Cụ thể, dự thảo nghị định dành Điều 4 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.
Theo đó, về điều kiện tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, dự thảo nghị định bỏ yêu cầu tổ chức kinh tế “được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam” tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 89; bãi bỏ các điều kiện yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự của tổ chức kinh tế không cần thiết là “Có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ)” tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 89, “nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả” (Khoản 4 Điều 4 Nghị định 89).
Đồng thời, dự thảo nghị định đơn giản hóa điều kiện “nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ” (Điểm b Khoản 3 Điều 4 Nghị định 89) thành “tại nơi giao dịch có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ”.
Đây là các điều kiện mà khi thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức kinh tế phải tự thực hiện để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của chính tổ chức đó, do đó không cần thiết quy định tại nghị định.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bãi bỏ điều kiện “tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh” tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định 89, vì quy định này không phải là điều kiện kinh doanh, các tổ chức tín dụng ủy quyền và tổ chức kinh tế tự thỏa thuận về nội dung này.
Bỏ hai điều kiện với đại lý chi, trả ngoại tệ
Về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ, tương tự như đề xuất đối với điều kiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, dự thảo nghị định bãi bỏ các điều kiện không cần thiết khi xem xét cho tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ “được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật” và “Có trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ như: máy tính, điện thoại, máy fax” tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 5 Nghị định 89.
Điều kiện “văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ đã được cấp còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ” khi xem xét gia hạn hoạt động trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ cho tổ chức kinh tế tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 89 cũng được bãi bỏ, do quy định này không phải là điều kiện kinh doanh, chỉ là yêu cầu về mặt thời hạn tối thiểu để gửi hồ sơ đến NHNN xem xét gia hạn để tránh ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của tổ chức kinh tế.
Về điều kiện để tổ chức kinh tế được NHNN chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ, dự thảo Nghị định bãi bỏ các điều kiện không cần thiết khi xem xét cho tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ “được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật” và “có trang thiết bị và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đối với hoạt động nhận và chi, trả ngoại tệ như: máy tính, điện thoại, máy fax” tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 89.
Đồng thời, nghị định cũng bãi bỏ điều kiện “văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ đã được cấp còn hiệu lực tối thiểu 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ” khi xem xét gia hạn hoạt động đại lý chi trả ngoại tệ cho tổ chức kinh tế với lý do đây không phải là điều kiện kinh doanh mà chỉ là yêu cầu về thời hạn.
H.Y