Bài 6: Doanh nghiệp ngành gỗ tận dụng lợi thế “sân nhà”, "vững chân" vượt qua bão COVID-19

16:22 26/05/2021

COVID-19 đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều ngành hàng xuất khẩu tỉ đô của Việt Nam, trong đó có thể kể đến ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Với những bước chuyển nhanh chóng, linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng, chiến lược dài hạn, phát triển thị trường nội địa và cơ cấu ngành hàng phù hợp, cũng như duy trì một cơ cấu tài chính vững chắc là chìa khóa giúp nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tồn tại trong cơn bão dịch COIVD-19.

 

70% doanh thu của doanh nghiệp bị giảm

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như của thế giới, trong đó có ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Theo kết quả khảo sát nhanh từ 124 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho thấy, 100% các doanh nghiệp đều khẳng định dịch COIVD-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, 75% số doanh nghiệp đánh giá thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng, tương đương gần 25 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn cho biết, đại dịch đã làm giảm 70% doanh thu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, cùng với tài chính, việc sử dụng lao động cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Báo cáo của VIFOREST cho biết: hiện đã có hàng trăm nghìn lao động của các doanh nghiệp gỗ đang đối mặt với tình trạng thất nghiệp, chủ doanh nghiệp không bảo đảm được việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài. Thông tin khảo sát tác động của đại dịch tới các doanh nghiệp gỗ của các hiệp hội gỗ và lâm sản còn cho thấy, trong số 105 doanh nghiệp phản hồi đã có khoảng 45% lượng lao động trong các doanh nghiệp này bị mất việc. Cụ thể, trước dịch, tổng số lao động làm việc tại 105 doanh nghiệp là 47.506 người; khi dịch bùng phát, các doanh nghiệp này phải cho 21.410 lao động tạm nghỉ việc.

Chủ tịch VIFOREST, ông Đỗ Xuân Lập đánh giá, dịch COVID-19 đã khiến thị trường đầy rẫy những biến động và nằm ngoài sự kiểm soát của ngành. Nhưng điều này không có nghĩa rằng các doanh nghiệp chỉ ngồi chờ đợi thị trường “lặng sóng,” để thị trường tự tìm đến mình. Các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành đã nỗ lực tìm kiếm những cách làm, hướng đi cho mình dù đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ không chịu khuất phục, tìm tòi những hướng đi khác để có thể bán được hàng từ đó mới có thể duy trì sản xuất.

Tổ chức lại năng lực sản xuất

Điển hình như câu chuyện vượt khó COVID-19, của công ty TNHH MTV Hùng Luân và công ty TNHH Minh Khanh. Trong bối cảnh thị trường ngành gỗ đầy rẫy những biến động bởi COVID-19,  hai doanh nghiệp này đã chủ động tự cứu lấy mình, kịp thời thay đổi phương thức bán hàng, phát triển thị trường nội địa và cơ cấu ngành hàng phù hợp với nỗ lực không mệt mỏi.

Là một trong những công ty sản xuất và xuất khẩu gỗ, ông Nguyễn Thái Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Luân cho biết: Khi dịch đại dịch COVID-19 xảy ra, đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất và hoạt động của công ty. Công ty phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và phải điều chỉnh lịch sản xuất phải điều chỉnh từng ngày, bởi lo sợ dịch sẽ làm cản trở lưu thông hàng hóa, không thanh toán được tiền hàng. Hủy và chậm đơn hàng đang gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn cho doanh nghiệp. Đơn hàng bị hủy bỏ hoặc chậm nằm trong nguyên nhân bất khả kháng, do vậy người mua hàng không có trách nhiệm bồi thường về mặt tài chính cho doanh nghiệp, kể cả trong trường hợp hàng hóa đã được doanh nghiệp sản xuất ra theo hợp đồng. Hủy và chậm đơn hàng có nghĩa doanh nghiệp không có nguồn thu trong khi các chi phí như lao động, bảo hiểm, thuế, phí… vẫn phải chi trả. 

Tuy nhiên “trong cái rủi có cái may”, trước ảnh hưởng của COVID-19, công ty chúng tôi đã tranh thủ cơ hội trong giai đoạn này để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất. Thay đổi phương thức bán hàng truyền thống, với sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, bắt đầu chuyển đổi sang hình thức bán hàng online.

"Đặc biệt, để cùng nhau vượt khó, chúng tôi đã cùng một số doanh nghiệp, các hộ gia đình sản xuất, hộ chuyên làm thương mại và hộ cung cấp nguyên liệu đầu vào thành lập nhóm trên zalo, viber và facebook để các thành viên tham gia vào các nhóm trong nhóm thường xuyên chia sẻ các mặt hàng mà hộ mình làm ra, chào giá bán trên nhóm và nhờ các thành viên trong nhóm kết nối với người mua có nhu cầu"- ông Nguyễn Thái Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hùng Luân cho hay.

Cũng chia sẻ về câu chuyện vượt khó COVID-19, Đỗ Quốc Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Minh Khanh cho biết: Thực tế, bức tranh thương mại gỗ Việt Nam – Trung Quốc chủ yếu hình thành do nhóm các mặt hàng gỗ nguyên liệu. Trong khi các thị trường trọng điểm liên tiếp có các tín hiệu không lạc quan, để duy trì các đơn hàng còn lại, đơn hàng nhỏ lẻ, công ty chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao. Gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (gỗ rừng trồng chất lượng thấp hay non gỗ), vì vậy doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Nhưng giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao và không ổn định nguồn cung,

Dịch Covid-19 bùng phát tại hầu hết các thị trường nhập khẩu đồ gỗ quan trọng của Việt Nam, như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Mặc dù dịch có dấu hiệu đã được kiểm soát tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ ba của Việt Nam, nhưng để thị trường này khôi phục lại sẽ mất rất nhiều thời gian… Thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ toàn cầu giờ đây gần như đều đóng cửa.

“Chúng tôi liên tục nhận được các thông báo từ đối tác về giãn thời gian, dừng hoạt động giao hàng kể cả các lô hàng đã hoặc đang trong quá trình sản xuất. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, chậm thanh toán và thậm chí bị hủy. Thậm chí chúng tôi cũng được thông báo một số khách hàng lớn rơi vào tình trạng chuẩn bị phá sản” – ông Khánh kể.

Để vượt qua thách thức đó, Giám đốc Công ty TNHH Minh Khanh, Đỗ Quốc Khánh cho biết: Khác với các thị trường xuất khẩu thường chọn sản phẩm sản xuất hàng loạt, người tiêu dùng Việt Nam ưa thích sản phẩm gỗ có phong cách, thiết kế riêng và đó là thế mạnh của các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ hiện nay. Vì thế, chúng tôi đã chuyển hướng sang thị trường nội địa, đầu tư nghiên cứu, xác định dòng sản phẩm cũng như xây dựng chiến lược xây dựng thương hiệu. Đặc biệt Công ty đã và đang đảm bảo thể chất cho đội ngũ lao động trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, từ đó mới có thể duy trì hoạt động ổn định. Đồng thời, chi tiêu không cần thiết sẽ phải cắt giảm, điển hình là các khoản đầu tư lớn, thậm chí cả chi phí marketing.

Tác động của COVID-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Nhưng các doanh nghiệp gỗ chúng tôi đã nhanh chóng gắn kết với nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc từ bên ngoài, công ty đã liên tục đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn sản xuất trong nước.

Như vậy, dịch bệnh vẫn chưa có hồi kết, tình hình khó khăn của ngành hàng vẫn chưa dự báo được thời điểm nào sẽ dừng, tuy nhiên với hướng đi hiện tại và kết quả đạt được trong thời gian qua, tin rằng doanh nghiệp gỗ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khả quan cho năm 2021.

Gia Minh