Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Thực tế cho thấy hiện nay, nguồn cung dược liệu của Bắc Kạn chủ yếu dựa trên việc thu hái, khai thác từ tự nhiên, chưa chú trọng đến việc gieo trồng, tái sinh, dẫn đến nguy cơ suy giảm nhanh về số lượng, thành phần loài cây thuốc, cây dược liệu quý. Việc trồng, chế biến cây thuốc, cây dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát. Ngoài ra, trên địa địa bàn tỉnh còn thiếu doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào tư vấn xây dựng liên kết; hỗ trợ máy móc thiết bị để thực hiện dự án liên kết; xây dựng mô hình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì nhãn mác…
Cụ thể, UBND tỉnh đã hỗ trợ HTX Giáo Hiệu (Pác Nặm) xây dựng được 1 dự án liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ; hỗ trợ HTX Mộc Lan Rừng, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) xây dựng 1 mô hình trồng cây khôi nhung tía, với quy mô 10ha; hỗ trợ HTX Nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) kinh phí xây dựng nhà xưởng;…Ngoài ra, từ nguồn khuyến công của Trung ương và của tỉnh, nhiều HTX đã được hỗ trợ máy móc, thiết bị để sản xuất, chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có chất lượng cao như trà hoa vàng, cao cà gai leo, curcumin nghệ…
Trong năm 2023, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Dược liệu tổ chức khảo sát, đánh giá lựa chọn địa điểm triển khai vùng trồng dược liệu, tổ chức thẩm định Dự án dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự án sử dụng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và địa phương; vốn xã hội hóa từ đóng góp của các cá nhân, tổ chức, đơn vị và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam; các phương pháp điều trị bệnh bằng y dược cổ truyền; thành tựu của y dược cổ truyền; tổ chức các hoạt động vinh danh thầy thuốc y dược cổ truyền; phổ biến kiến thức, lợi ích của y dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, những bài thuốc hay, cây thuốc quý... Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của đông y được nâng lên. Người dân đã chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe bằng các phương pháp y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, giác hơi…
Từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai thực hiện 9 đề tài, dự án nghiên cứu phát triển trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 5 đề tài, dự án đã được nghiệm thu, 3 dự án đang triển khai thực hiện. Nhiều loài cây dược liệu như giảo cổ lam, cà gai leo, trà hoa vàng thuộc các đề tài, dự án đã được nghiệm thu nay được chế biến thành sản phẩm như trà túi lọc loại thường, túi lọc loại cao cấp, trà hút chân không, cao dược liệu… mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện các cây dược liệu này đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Nặm.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học triển khai một số nhiệm vụ khoa học để bảo tồn, phát triển các loại cây dược liệu, như đề tài: Nghiên cứu phát triển trồng dược liệu tỉnh Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu (Hoài Sơn và Địa Hoàng) theo chuỗi giá trị tại Bắc Kạn; Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cây cà gai leo tại tỉnh Bắc Kạn các dự án đã tiến hành điều tra một số cây dược liệu trong tự nhiên như ba kích tím, hà thủ ô đỏ, dong riềng đỏ, đẳng sâm, ban lá dính, hoài sơn, địa hoàng.
Từ thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển ổn định, hiệu quả vì thực tế giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Đặc biệt, nhiều Dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Bắc Kạn đều cho kết quả khả quan, mức đầu tư hợp lý, năng suất, sản lượng đều khá. Bắc Kạn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển, đa dạng các loại cây dược liệu, đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát huy thế mạnh đồi, rừng, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý hiếm, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.
P.V