Apple đang có nhiều kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ của họ trong những năm tới, đặc biệt tại các thị trường mới nổi như Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời họ cũng nâng cấp và di dời các cửa hàng hiện có với nhận diện thương hiệu và thiết kế mới hơn.
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, từ nay đến năm 2027, Apple muốn mở thêm 15 cửa hàng mới trên khắp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, 5 cửa hàng ở châu Âu và Trung Đông, cùng 4 cửa hàng bổ sung ở Mỹ và Canada, dựa trên nguồn tin thân cận. Công ty cũng muốn tân trang hoặc di dời 6 cửa hàng ở châu Á, 9 cửa hàng ở châu Âu và 13 cửa hàng ở Bắc Mỹ.
Tổng cộng, Apple đang đề xuất xây mới, cải tạo hoặc di dời hơn 50 cửa hàng trong 4 năm tới.
Apple muốn mang lại sinh khí mới cho hoạt động bán lẻ đã tồn tại 22 năm của mình. Những năm gần đây, Apple Store đối mặt với nhiều khó khăn như dịch Covid-19, vấn đề chăm sóc khách hàng và biểu tình của nhân viên. Mục đích của hãng là xây dựng thương hiệu tại các thị trường như Ấn Độ, đồng thời cung cấp trải nghiệm tốt hơn tại châu Âu và Mỹ.
Các Apple Store đáng chú ý nhất đang được thảo luận hoặc trong quá trình phát triển là 3 cửa hàng tại Ấn Độ, 1 tại Malaysia và nâng cấp cửa hàng tại khu vực mua sắm Opera (Paris, Pháp). Công ty cũng sẽ sớm khai trương cửa hàng tại Battersea Power Station (London, Anh), một cửa hàng khác tại Miami (Mỹ). Ngoài ra, còn có một Apple Store “đinh” tại Jing’an Temple Plaza (Thượng Hải, Trung Quốc).
Một số địa điểm hoặc thời điểm thực hiện vẫn chỉ là đề xuất hoặc dự án nội bộ, có nghĩa chúng vẫn có thể thay đổi hoặc bị hủy. Dù vậy, nhiều trong số các cửa hàng này đã trong quá trình phát triển và Apple đã đồng ý thuê đất. Phát ngôn viên của “táo khuyết” từ chối bình luận.
Apple hiện có hơn 520 cửa hàng ở 26 quốc gia, trong đó gần một nửa tọa lạc ở Mỹ. Chuỗi cửa hàng của Apple thường nhắm tới việc xây dựng thương hiệu cho Apple hơn là bán sản phẩm. Gã khổng lồ Mỹ thường lấy doanh thu từ các kênh khác, như trang thương mại điện tử của họ. Dù vậy, các cửa hàng vật chất đòng vai trò như một nơi để khách hàng mua sản phẩm trong ngày ra mắt, nhận được hỗ trợ kỹ thuật.
Hiện Apple đang vận hành 4 loại cửa hàng bán lẻ: Cửa hàng tiêu chuẩn trong trung tâm thương mại, cửa hàng “Apple Store+” có thể ở khu mua sắm ngoài trời hoặc trên đường phố, cửa hàng “flagship” nằm ở các khu vực trọng điểm có thiết kế độc đáo và “flagship+” những cửa hàng lớn nhất và tốn kém nhất để vận hành.
Apple Store tiêu chuẩn thường mang về hơn 40 triệu USD mỗi năm, còn Apple Store+ đóng góp hơn 45 triệu USD. Cửa hàng flagship ghi nhận doanh thu hơn 75 triệu USD, trong khi flagship+ là hơn 100 triệu USD.
Trọng điểm của kế hoạch mở rộng là khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 21 địa điểm mới hoặc tu sửa cho đến năm 2027. Thị trường này phát sinh khoảng 130 tỷ USD doanh thu cho Apple năm ngoái, chiếm gần 1/3 tổng doanh thu.
Những nước như Ấn Độ nổi lên như động lực tăng trưởng quan trọng. Các nhà phân tích cho rằng dân số đông và nền kinh tế phát triển của Ấn Độ là điều kiện lý tưởng cho sự hiện diện của Apple thông qua các nỗ lực tiếp thị và bán lẻ.
Apple đã khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ - hôm 18/4 và khai trương cửa hàng thứ hai tại thủ đô Delhi vào ngày 20/4.
CEO Apple - Tim Cook từng nhận định: "Những gì tôi nhận thấy ở Ấn Độ là ngày càng có nhiều người ở tầng lớp trung lưu và chúng tôi hy vọng có thể thuyết phục một số trong đó mua iPhone. Tôi thực sự cảm thấy Ấn Độ đang ở điểm bùng phát".
Cuối năm nay, Apple sẽ khai trương cửa hàng mới tại Wen Zhou Shi (Trung Quốc), nâng cấp cửa hàng flagship tại Thượng Hải, bổ sung hai cửa hàng tại Hàn Quốc. Như vậy, tổng số Apple Store tại xứ sở kim chi sẽ là 7.
Năm 2024, Apple dự định mở cửa hàng đầu tiên tại Malaysia, tọa lạc ở Kuala Lumpur. Tại Trung Quốc, hãng sẽ mở cửa hàng mới tại Jing An Temple Plaza; tu sửa cửa hàng Pudong, Thượng Hải và có thể mở cửa hàng đầu tiên tại Foshan.
Dù quan hệ Mỹ - Trung ngày một căng thẳng, Apple vẫn phụ thuộc vào đất nước tỷ dân – nơi vừa là địa bàn sản xuất chính vừa là thị trường tiêu thụ lớn. CEO Tim Cook ca ngợi quan hệ giữa Apple và Trung Quốc trong chuyến công tác đầu năm nay.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã đóng vai trò làm “xương sống” cho cả hoạt động sản xuất và tiêu dùng của Apple, giúp họ trải qua một giai đoạn tăng trưởng phi thường và trở thành công ty có giá trị vốn hóa cao nhất trên toàn cầu.
Hiện tại, thị trường tỷ dân này vẫn là chìa khóa cho các hoạt động của Apple.
Apple đề xuất khai trương cửa hàng thứ tư tại Ấn Độ trong năm 2026. Ngoài ra, hãng công nghệ Mỹ còn đặt nền móng cho một Apple Store mới tại Yokohama (Nhật Bản) và di dời một cửa hàng tại Shibuya Marui. Năm 2027, cửa hàng thứ năm tại Ấn Độ sẽ xuất hiện.
Tại châu Âu, Apple muốn mở cửa hàng tại Battersea (London, Anh) trong tháng 6. Công ty dự định khai trương Apple Store mới tại Madrid (Tây Ban Nha) cũng như chuyển địa điểm một cửa hàng tại Milton Keynes (Anh). Châu Âu đóng góp hơn 95 tỷ USD cho Apple năm ngoái, chiếm khoảng 1/4 doanh thu toàn cầu. Anh là thị trường bán lẻ lớn thứ ba của hãng với khoảng 40 cửa hàng.
Trong một động thái khác, Theo Biên tập viên Mark Gurman của Bloomberg, Apple có thể tổ chức một Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu khá lớn vào tuần tới. Ngoài tai nghe thực tế hỗn hợp được đồn đại và các bản cập nhật thông thường cho hệ điều hành của nó, Gurman đang mong đợi Apple tập trung vào “một số” máy Mac mới tại triển lãm.
Theo nguồn tin của Gurman, một chiếc Macbook Air có màn hình lớn 15 inch đi cùng chip M2 đang được sản xuất và có vẻ như đó có thể là một trong những “ngôi sao” trong sự kiện lần này của Apple.
Ngoài ra, cây viết này cũng tin rằng Apple đang thử nghiệm bộ đôi máy Mac cao cấp mới với chip M2 Max và chip M2 Utra. Đây có thể là phiên bản mới của Mac Studio bởi Mac Studio đã ra mắt được hơn một năm, với cấu hình cũ như chip M1 Max và M1 Ultra. Do đó, có vẻ như Apple đang làm việc trên các phiên bản nâng cấp của dòng máy này.
Phương Thu (t/h)