![]() |
Apple đẩy mạnh sản xuất tại Ấn Độ, đạt mốc 22 tỷ USD |
Apple đang tăng tốc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên là điểm đến chiến lược. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 3/2025, “Táo khuyết” đã lắp ráp số iPhone trị giá 22 tỷ USD tại quốc gia Nam Á này, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bloomberg.
Số lượng iPhone sản xuất tại Ấn Độ hiện chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu, đánh dấu bước tiến mạnh mẽ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Giá trị 22 tỷ USD trên được tính theo mức giá xuất xưởng tại nhà máy, không bao gồm chi phí bán lẻ.
Phần lớn sản lượng này đến từ nhà máy Foxconn tại Chennai, nơi đang được chỉ đạo hoạt động cả vào Chủ nhật để tăng công suất thêm 20%. Năm ngoái, Foxconn đã xuất xưởng khoảng 20 triệu chiếc iPhone, bao gồm cả các mẫu iPhone 15 và iPhone 16. Tập đoàn Tata – một trong những doanh nghiệp công nghiệp lớn nhất Ấn Độ – cũng là đối tác quan trọng, hiện vận hành cùng Foxconn ba nhà máy lắp ráp iPhone, với hai nhà máy mới đang được xây dựng.
Theo một quan chức cấp cao của Ấn Độ, Apple đã mất tám tháng để đàm phán và thiết lập “hành lang xanh” nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển tại sân bay Chennai. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ Apple tối đa, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu.
Nhờ chính sách hỗ trợ này, lượng iPhone xuất khẩu từ Ấn Độ sang Mỹ đã tăng đột biến – đạt 770 triệu USD trong tháng 1 và 643 triệu USD trong tháng 2, cao gấp nhiều lần so với mức dao động 110–331 triệu USD ở các tháng liền kề trước đó.
Bên cạnh vai trò sản xuất, Ấn Độ cũng là thị trường tiêu thụ quan trọng. Apple hiện chiếm gần 8% thị phần smartphone tại nước này, với doanh số đạt khoảng 8 tỷ USD trong năm tài chính 2024. Việc sản xuất tại đây giúp Apple tối ưu chi phí, dễ dàng tiếp cận người dùng bản địa – nơi thị trường trung lưu đang tăng trưởng mạnh.
Dù vậy, Apple vẫn còn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc – nơi có gần 200 đối tác trong chuỗi cung ứng. Giới quan sát cho rằng sẽ mất nhiều năm để Apple có thể giảm đáng kể sự phụ thuộc này. Trước đó, Bloomberg từng ước tính Apple cần 8 năm để chuyển chỉ 10% dây chuyền khỏi Trung Quốc.