Apple mới đây cho biết, sẽ cho phép bên thứ ba sử dụng chip thanh toán trên iPhone để xử lý các giao dịch. Như vậy, ngân hàng và dịch vụ khác sẽ cạnh tranh tốt hơn với Apple Pay. Động thái này diễn ra sau nhiều năm công ty gặp áp lực từ nhà chức trách, bao gồm tại Liên minh châu Âu.
“Táo khuyết” cho biết, sẽ cho phép nhà phát triển bên thứ ba sử dụng chip thanh toán trên iPhone từ bản cập nhật iOS 18.1. Chip thanh toán dựa trên công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) để chia sẻ thông tin khi điện thoại ở gần thiết bị khác.
Thay đổi giúp các nhà cung cấp bên ngoài dùng chip NFC để thanh toán không chạm tại cửa hàng, trả tiền vé giao thông, mở khóa nhà, khách sạn, thẻ tích điểm… Cho đến nay, ứng dụng bên thứ ba chỉ dùng NFC trên iPhone để đọc các thẻ. Theo nhà sản xuất iPhone, các loại thẻ định danh của chính phủ sẽ được hỗ trợ sau. Người dùng cũng được thiết lập ứng dụng thanh toán bên thứ ba làm mặc định thay cho Apple Pay.
Động thái nói trên của Apple cũng được đưa ra sau khi hãng tuyên bố sẽ mở chip NFC cho các ứng dụng của bên thứ ba tại Liên minh châu Âu theo quy định của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act). Thay đổi này sẽ được triển khai trong bản cập nhật iOS 18.1 sắp tới và sẽ có sẵn tại các quốc gia như Úc, Brazil, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Mỹ.
Apple cho biết thêm, các nhà phát triển muốn sử dụng chip NFC sẽ cần ký hợp đồng thương mại với Apple, yêu cầu quyền truy cập vào NFC, đồng thời phải trả các khoản phí liên quan. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về biểu phí vẫn chưa được tiết lộ. Bên cạnh đó, Apple cũng đăng tải các thông tin liên quan trên trang web dành cho nhà phát triển và người dùng có thể liên hệ với Apple theo hướng dẫn nếu quan tâm đến dịch vụ này.
Mới đây, Apple đã trở thành công ty công nghệ đầu tiên đối mặt với cáo buộc vi phạm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) mới của Liên minh châu Âu (EU).
Ngay sau đó, Apple tuyên bố sẽ có những thay đổi để tuân thủ DMA. Theo đó, từ mùa Thu năm nay, các nhà phát triển ứng dụng ở EU "được kết nối và quảng bá các ưu đãi mua hàng ở bất cứ nơi nào họ muốn", chẳng hạn thông qua một thị trường ứng dụng.
Apple cũng sẽ áp dụng các cơ chế tính phí mới đối với các nhà phát triển cho khách hàng liên kết với kênh khác bên ngoài ứng dụng để nhận ưu đãi và nội dung.
Theo đó, các nhà phát triển sẽ phải trả phí 5% doanh thu dịch vụ và hàng hóa được giao dịch trực tuyến trên bất cứ nền tảng nào trong vòng 1 năm kể từ khi người dùng cài đặt lần đầu tiên ứng dụng có khả năng liên kết đến một kênh khác như trang web.
Hiện tại Apple tính ba loại phí, gồm phí công nghệ cốt lõi với mức dưới 1% đối với các ứng dụng, phí hoa hồng đối với tất cả các dịch vụ và hàng hóa số bán qua App Store, phí thanh toán và dịch vụ thương mại.
Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cáo buộc đối với Apple sau khi tiến hành các cuộc điều tra đầu tiên trong khuôn khổ DMA hồi tháng 3/2024 đối với các doanh nghiệp công nghệ Apple, Google và Meta. Dự kiến, EC có sẽ kết luận sau cùng vào cuối tháng 3/2025 và nếu kết luận sau này không có gì thay đổi sẽ mở đường cho việc đưa ra các mức xử phạt.
Thu Hà (t/h)