Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý I, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới đều giảm mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu của nước ta chỉ đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực đầu tư trong nước giảm 17,4%, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10%.
Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính có đến 35 nhóm hàng tăng trưởng âm, chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, nhóm sản phẩm vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,8 tỷ USD, giảm 10,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,7 tỷ USD, giảm 3,7%.
Các sản phẩm chủ lực như dệt may chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,4%; giày dép các loại đạt 4,3 tỷ USD, giảm 18,6%; sắt thép các loại đạt 1,63 tỷ USD, giảm 28,8%.
Trong khi đó, chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với quý I/2022 như giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,4%; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh tăng 63%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%; rau quả tăng 10,6%; gạo tăng 30,2%.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực cũng sụt giảm đáng kể như: Trung Quốc giảm 13,8%; Mỹ giảm 21,6%; Hàn Quốc giảm 5,5%; châu Âu giảm 10,8%…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu quý I cũng lao dốc, ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ 2022. Do nhập khẩu giảm mạnh, kết thúc quý I, cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu 4,07 tỷ USD, cao hơn mức 1,9 tỷ USD của năm 2022 và 2,5 tỷ USD của năm 2021.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% với kim ngạch dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD so với năm 2022. Với tình hình thế giới vẫn còn ảnh hưởng bởi lạm phát, xung đột Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dự báo hoạt động xuất khẩu thời gian tới còn nhiều thách thức.
“Thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam rất đáng lo, do nhu cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm dẫn tới doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sụt giảm đơn hàng”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, (Tổng cục Thống kê) nhìn nhận.
Là doanh nghiệp khá "quen mặt" trên thị trường xuất khẩu, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, không riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với tình trạng xuất khẩu bị giảm sút về đơn hàng. Nguyên nhân chính là lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao, người tiêu dùng chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, trong quý 1/2023, May 10 đã sụt giảm 10% về đơn hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
“Quý 2 và quý 3 thường là cao điểm của các sản phẩm may mặc. Tuy vậy, đến thời điểm này, đơn hàng của quý 2 giảm 20 - 30%. Còn trong quý 3, các khách hàng đang chờ thông tin lượng tồn kho có giảm hay không mới tính đặt hàng tiếp theo”, ông Việt lo lắng.
Trong lĩnh vực gỗ, ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Hưng chia sẻ, dù đã tránh được tình trạng sụt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 nhưng bước sang năm 2023, doanh nghiệp cũng không thể duy trì lượng nhân công và thời gian làm việc, tăng ca của người lao động, bởi đơn hàng tại thị trường Mỹ giảm mạnh, khiến hoạt động chung của doanh nghiệp giảm theo.
"Thời gian sau Tết, doanh nghiệp đã thấy có dấu hiệu hủy hoặc lùi đơn hàng từ đối tác. Hiện đơn hàng giảm 20-25% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu từ Mỹ, thị trường chiếm khoảng 50% lượng đơn hàng của công ty".
Về giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, ông Nguyễn Việt Phong cho rằng, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và nỗ lực hoạt động xúc tiến thương mại trên thế giới.
“Cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường truyền thống như là các thị trường Bắc Âu, Đông Âu và Mỹ Latinh”, ông Phong nêu rõ.
Cùng với đó, các bộ ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt là các chính sách của các nền kinh tế lớn thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ (là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam), để từ đó đưa ra những cảnh báo cho doanh nghiệp Việt Nam phản ứng kịp thời.
Bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - TCTK nêu Một số giải pháp chủ yếu, hỗ trợ sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất:
Một là, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Do giá dầu thô, khí đốt trên thế giới tăng cao, chi phí logicstic tăng và nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh.
Hai là, cần có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp, hạ lãi suất cho vay.
Ba là, Chính phủ, các cấp, các ngành thúc đẩy giải ngân nhanh các gói cứu trợ doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng.
Bốn là, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp công nghiệp trong thời kỳ lạm phát các nước tăng cao, suy thoái kinh tế diễn ra là thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp và giảm sút (đặc biệt là xuất khẩu). Vì vậy, doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các cấp, các ngành hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu,…
Năm là, về lao động, chính sách hỗ trợ cho người lao động cần rõ ràng, giảm bớt thủ tục, hướng dẫn cụ thể, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, hỗ trợ các nguồn tín dụng để doanh nghiệp trả lương cho người lao động đối với DN gặp khó khăn
Sáu là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh đầu tư công, tạo điều kiện thúc đẩy SXKD, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập của người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Bảy là, đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp;
Tám là, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu thụ trong nước “người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam”.
Trần Vỹ