2 cách tiếp cận mới tại thị trường Bắc Âu

08:43 02/07/2022

Bắc Âu là các nước nhỏ, nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại, xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% GDP. Mặc dù dân số ít nhưng kim ngạch nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu sẽ khó hơn rất nhiều nếu so với các nước trong EU có dân số lớn và nằm ở vị trí trung tâm châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Ba Lan. Cá tra và gạo Việt Nam cũng được thị trường Bắc Âu rất ưa chuộng.

Do vậy, phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải định hướng lại với cách tiếp cận mới.

Thứ nhất, cần quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam.

Thứ hai, tập trung xuất khẩu tại chỗ. Hiện nay, các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu hoạt động trên khắp thế giới về tất cả các lĩnh vực như: Thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ... Nếu như doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được hàng cho các tập đoàn này, hoặc vận động các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối tại mạng lưới bán lẻ rộng khắp của họ.

Do vậy, việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ cần được ưu tiên. Khi đó, không chỉ tăng đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn tăng sang các nước Bắc Âu.

Lâm Nghi