Đêm 31-3, rạng sáng 1-4, đoàn công tác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM Đinh Minh Hiệp làm trưởng đoàn đã đến thị sát 2 nhà máy giết mổ công nghiệp tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn ngày đầu tiên chính thức hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty, cho biết để thu hút thương lái, công ty quyết định lấy giá gia công bằng giá giết mổ thủ công trước đó (tại cơ sở Xuyên Á, có chung chủ quản) nên lượng heo đưa về trong ngày đạt 2.000 con, trong khi nếu tính đúng giá, sản lượng dự kiến chỉ đạt 1/3.
Nhà máy mới có dây chuyền giết mổ treo, đa phần tự động hóa, tránh tiếp xúc giữa công nhân và thịt heo nên hạn chế vấy nhiễm vi sinh. Điều này giúp nâng cao chất lượng thịt heo so với giết mổ thủ công trước đó.
Theo quy định của UBND TP HCM, từ ngày 1-4, tất cả cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu đều dừng hoạt động (trừ cơ sở Trung Tuyến - huyện Cần Giờ, công suất 15 con/ngày phục vụ người dân trên địa bàn). Sản lượng heo giết mổ hiện hữu khoảng 5.000 con/ngày sẽ đi vào giết mổ công nghiệp hay chuyển một phần về tỉnh để giết mổ thủ công vẫn là một câu hỏi lớn.
Báo Người Lao Động đưa tin, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, cho biết kế hoạch bố trí các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn đang thực hiện đúng kế hoạch. Tức là từ ngày 1-4 sẽ ngưng toàn bộ các cơ sở giết mổ gia súc hiện hữu, không có cơ sở nào xin gia hạn trừ cơ sở Trung Tuyến huyện Cần Giờ, công suất 15 con/ngày phục vụ người dân trên địa bàn đặc thù.
"Thời gian đầu vận hành không tránh khỏi chệch choạc nhưng không lớn. Việc các cơ sở thủ công trên địa bàn đóng cửa và các nhà máy giết mổ hiện đại đi vào vận hành đã là thành công bước đầu. Trước đó, chương trình này đã phải trì hoãn rất nhiều lần bởi nhiều lý do" - ông Đinh Minh Hiệp bày tỏ.
Ông Lê Văn Mỵ, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hóc Môn (chủ quản Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn - chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc Xuân Thới Thượng - Hóc Môn), cũng rất lo lắng khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức ngày 1-4 vì sợ thương lái chuyển về tỉnh.
"Nếu cả nước cấm giết mổ thủ công thì dễ, đằng này chỉ TP HCM cấm nên sẽ khó thực hiện vì giá giết mổ công nghiệp cao hơn. Ở giai đoạn đầu, giết mổ công nghiệp hình thức thịt heo không đẹp, thịt bị bầm, chúng tôi phải cải tiến rất nhiều mới đạt theo thị hiếu khách hàng" - ông Mỵ phản ánh. Để khuyến khích nhà đầu tư, ông Mỵ kiến nghị cần trợ giá giết mổ công nghiệp trong giai đoạn đầu, tiền có thể lấy từ quỹ bình ổn.
Theo Quyết định 231 ngày 18-1 của UBND TP HCM, 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công tại TP HCM sẽ ngưng hoạt động, chỉ được hoạt động đến ngày 31-3 với tổng sản lượng khoảng 5.000 con/ngày. Trong đó, Xuyên Á, Xuân Thới Thượng (phần thủ công) và Bình Tân là 3 cơ sở lớn nhất (từ 750 - 1.850 con/ngày); còn lại số lượng giết mổ chỉ 45-440 con/ngày.
Hiện các đơn vị giết mổ công nghiệp gồm Vissan (Bình Thạnh), An Hạ, Sagri, Lộc An (huyện Củ Chi) và Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) dư công suất để "gánh" thêm sản lượng giết mổ thủ công chuyển sang. Tuy nhiên, việc các nhà máy này có thu hút được thương lái hay không thì còn chờ thực tế trả lời.
Hồng Thắm T.h