Xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH

00:00 12/10/2020

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chuyển hơn 100 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Hành vi trốn đóng, nợ BHXH diễn biến phức tạp

BHXH Việt Nam cho biết thời gian qua, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, cố tình chây ì và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ).

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết Bộ Luật Hình sự năm 2015 bổ sung 3 tội danh: gian lận BHXH, BHTN; gian lận BHYT; trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, bộ luật này vẫn còn nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Từ đó đến nay, cơ quan BHXH đã chuyển khoảng 100 hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý về các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN, thế nhưng do nhiều vướng mắc về quy trình khởi kiện cũng như việc xử lý đối với các hành vi vi phạm nên chưa có kết quả. Chỉ có 2 vụ việc đã xử lý nhưng lại dưới các tội danh khác.

Theo ông Ánh, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN; điều 215 về tội gian lận BHYT và điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ Luật Hình sự vừa chính thức ban hành vào ngày 15-8 đã tháo gỡ được các vướng mắc, hướng dẫn các tình tiết hành vi vi phạm cụ thể. Những quy định mới này cũng xác định tư cách tham gia quá trình tố tụng của BHXH là bị hại, xác định không hồi tố đối với vi phạm xảy ra trước 0 giờ ngày 1-1-2018 (thời điểm Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực), quy định quy trình trình tự thủ tục hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra.

Xử lý nghiêm khắc 

Theo ông Mai Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT có nhiều nhưng cơ bản nhất là hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của chủ sử dụng lao động chưa tốt. Một số chủ sử dụng lao động nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Không ít DN dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn bình thường, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho NLĐ đầy đủ nhưng lại cố tình chây ìnợ BHXH

Ông Thắng cũng cho biết từ nay đến cuối năm 2019, cơ quan bảo hiểm sẽ hướng dẫn các địa phương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự một số DN nợ bảo hiểm kéo dài để khởi tố vụ án, xử lý nghiêm khắc nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT. "Hiện BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp các cơ quan chức năng tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội ban hành các văn bản pháp luật quy định việc quản lý và xử lý nợ đối với các DN đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh; DN có chủ bỏ trốn không có nguồn tài chính trả nợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ" - ông Thắng nói.

N.D